Khám phá

Cách nào giải tỏa “chướng ngại vật” cho công nghiệp CNTT?

Sự phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin đang vấp phải nhiều “chướng ngại vật” như còn nhiều văn bản chính sách chưa hiệu quả, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu cao của thị trường... “Lực lượng giải tỏa” cần có sự tham gia của cả phía cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Siết chế tài để chính sách không bị làm ngơ

 

Tại Tọa đàm về giải pháp phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam do Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng Bkis nhận định: “Hơn chục năm nay, tại Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, chính sách đề cập tới sự phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin.

 

Chẳng hiện như Nghị quyết số 49/CP ban hành ngày 4/8/1993 về phát triển Công nghệ thông tin tại Việt Nam, Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2010 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá,… và gần đây nhất là Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin-Truyền thông.

 

Các văn bản, ý tưởng từ vĩ mô đến vi mô và chương trình cụ thể đều đã có hết nhưng công nghiệp Công nghệ thông tin vẫn dẫm chân tại chỗ không tiến triển được, không có gì đột biến”.

 

Đáng quan ngại hơn là đã có những văn bản sau khi ban hành không phát huy tác dụng, hiệu quả cần thiết bởi không có chế tài cụ thể đủ mạnh.

 

Ông Quảng dẫn chứng một văn bản đã từng gieo kỳ vọng cho các doanh nghiệp như Bkis để rồi đến giờ đang khiến doanh nghiệp thất vọng, đó là Thông tư số 42/TT-BTTTT ban hành ngày 30/12/2009 quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm Công nghệ thông tin sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc có vốn nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

 

Thông tư quy định các sản phẩm, giải pháp trong nước sản xuất được có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn hàng ngoại nhập thì các cơ quan Nhà nước buộc phải sử dụng nếu đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

 

Với Thông tư này, các doanh nghiệp nội khấp khởi mừng rằng sẽ có cơ hội tăng doanh thu gấp 10 lần, và có “bàn đạp” thị trường trong nước rất tốt để vươn ra thị trường toàn cầu. Bkis cũng có chung niềm khấp khởi đó khi sản phẩm phần mềm diệt virus Bkav được nhiều phỏng kiểm định quốc tế chứng nhận rằng đạt chất lượng tương đương hoặc tốt hơn sản phẩm nước ngoài.

 

Thế nhưng thực tế “hầu hết các cơ quan Nhà nước không coi văn bản trên ra gì. Thậm chí khi tham gia đấu thầu các gói thầu sử dụng ngân sách Nhà nước, Bkis còn ngại nhắc tới Thông tư 42 vì sợ bị nói là đem văn bản chính sách ra dọa”, ông Quảng nhấn mạnh.

 

“Bộ Thông tin & Truyền thông đã ban hành Thông tư thì cần có cơ chế, chế tài để biến kỳ vọng của doanh nghiệp thành thực tế. Doanh nghiệp chúng tôi có nhiều sản phẩm, phần mềm có chất lượng bằng hoặc tốt hơn sản phẩm nước ngoài khi hiểu rõ người sử dụng Việt Nam hơn các nhà cung cấp ngoại quốc".

 

"Bộ Thông tin & Truyền thông cần có cơ chế kiểm định các phần mềm trong Danh mục sản phẩm Công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Có thể mời cơ quan kiểm định quốc tế sang Việt Nam kiểm định hoặc Bộ Thông tin & Truyền thông thành lập hội đồng, phòng kiểm định. Doanh nghiệp như Bkis sẵn sàng tham gia kiểm định khách quan”, ông Quảng khuyến nghị.

 

“Tăng lực” để khách hàng nội không bị buộc phải dùng hàng ngoại

 

Không thể phủ nhận thực tế rất nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn ưu tiên hàng ngoại khi lựa chọn sản phẩm, giải pháp cho hệ thống Công nghệ thông tin của mình. Điển hình nhất là các cơ quan thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, không hẳn là do các cơ quan này “yêu ngoại hơn nội”.

 

Ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ: Nhu cầu ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng còn rất nhiều, song đau đầu là toàn phải tìm mua sản phẩm, giải pháp của nước ngoài vì không có sản phẩm trong nước đáp ứng yêu cầu.

 

Chẳng hạn như các ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, rất cần có những hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM)… áp dụng trên quy mô lớn và có tính đặc thù, thế nhưng nhìn đi nhìn lại thì doanh nghiệp nội không có sản phẩm gì để bán, danh mục sản phẩm nội vẫn còn nghèo nàn.

 

Năm ngoái, BIDV được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao hỗ trợ 3 ngân hàng phía Nam sát nhập, đã phải suy nghĩ rất nhiều tới việc xử lý hệ thống Công nghệ thông tin của 3 ngân hàng này, bởi 3 ngân hàng nhưng có tới 5 hệ thống ngân hàng lõi - core banking (3 đang chạy và 2 đang làm dở) đều là hàng ngoại.

 

Ông Phổ nhận định: “Thị trường Công nghệ thông tin Việt Nam hiện nhỏ bé nhưng sự xâm nhập của các công ty, hãng lớn thế giới lại đang rất lớn, bởi chính các doanh nghiệp trong nước đã không làm chủ và chiếm lĩnh được thị trường trong nước”.

 

Nguyên nhân không hẳn do doanh nghiệp Việt không giỏi, không hiểu nhu cầu của ngành ngân hàng. Bởi trên thực tế, cũng đã có đơn vị làm được sản phẩm cho ngành ngân hàng, điển hình như Công ty FPT đã làm ra hệ thống SmartBank (một hệ thống core banking được đánh giá chất lượng tốt), bán được cho ngân hàng trong nước và cả ngân hàng nước ngoài (Lào, Campuchia, Thái Lan).

 

Thế nhưng sau một thời gian, FPT không thể kiên trì hơn đã bỏ việc duy trì, phát triển sản phẩm này, kéo theo câu chuyện các đơn vị đã mua sản phẩm phải chuyển sang hệ thống khác vì không có sự hỗ trợ phát triển tiếp sản phẩm đã mua.

 

Vấn đề mấu chốt được nhiều chuyên gia Công nghệ thông tin lý giải cho hiện tượng buộc phải dùng hàng ngoại nêu trên chính là năng lực của doanh nghiệp Việt vẫn chưa tiệm cận được với yêu cầu của thị trường, hầu hết doanh nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư đủ nguồn lực tài chính, nhân lực,… cho các dự án “khủng”.

 

Chia sẻ thêm về điều này, ông Phổ cho biết ngay cả những “đại gia” như Viettel, FPT, CMC,… hiện cũng vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin của khối ngân hàng. Cụ thể, BIDV đã tiếp xúc với các đơn vị này với mong muốn thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) nhưng sau khi khảo sát thì thấy năng lực quá nhỏ so với yêu cầu.

 

“Các dịch vụ thuê ngoài ở Việt Nam hiện vẫn còn rất kém, mới manh nha xuất hiện một số doanh nghiệp làm dịch vụ cho thuê máy chủ (hosting), cho thuê trung tâm xử lý,… nhưng quy mô nhỏ. Nhu cầu thuê dịch vụ rất lớn, không phải ngân hàng muốn tự làm lấy tất cả mọi việc nhưng nhiều khi không có chỗ để thuê”, ông Phổ nói thêm.

 

 

 

Theo ITC news

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo