Khám phá

Cách quản con trong ngày Tết

Năm nay học sinh nghỉ Tết Nguyên đán hơn chục ngày khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về cách quản con. Nhiều gia đình bắt con vùi mình vào đống bài tập nhưng theo một số nhà giáo dục, đấy không phải là cách tốt.


Bố mẹ “xuất chiêu”

Năm nay, học sinh ở Hà Nội nghỉ Tết Nguyên đán đến 11 ngày, nhiều trường ở TP Hồ Chí Minh còn nghỉ dài ngày hơn khiến nhiều gia đình lo lắng. Do đợt nghỉ Tết khá dài, chị Bích Thủy (Hoàng Cầu, Hà Nội) không biết làm sao với cậu con trai nghịch ngợm. Chị cho biết, năm nay cháu đã học lớp cuối cấp nhưng cháu chơi với ai, làm gì ở ngoài trường, chị đều không biết. Giờ nghỉ học dài ngày, chẳng biết làm sao để kiểm soát được. Bạn bè khuyên chị nên đưa con đi du lịch, vừa vui, vừa đỡ sợ con kết nối với bạn xấu nhưng chị đắn đo vì vợ chồng chị còn phải chăm lo hương khói cho gia đình bên nội 3 ngày Tết. Giải pháp là chị sẽ bắt cháu làm thật nhiều bài tập hoặc cho cháu về quê, nhờ ông bà ngoại quản hộ.

Chị Hà Phương (Đê La Thành, Hà Nội) có con đang học mẫu giáo. Cô giáo thông báo nhà trường chỉ nhận trông trẻ đến ngày 26 Tết vì giáo viên toàn ở xa. Chị đang tính thuê hàng xóm trông con hộ những ngày áp Tết vì hai vợ chồng chị đều phải làm việc đến 29 Tết mới được nghỉ. Cùng nỗi lo của chị Hà Phương, nhiều gia đình chạy đôn chạy đáo đi tìm người trông trẻ. Một số gia đình có điều kiện thì nhờ cậy ông bà nội, ngoại hai bên. Có gia đình, hai vợ chồng luân phiên mang con đến công sở để quản lý. Có gia đình đành phải nhốt con trong nhà rồi “mắt trước, mắt sau” trốn việc về sớm với con…

May mắn hơn, gia đình anh Phạm Xuân Tiến (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) gửi được hai bé ở trường tư thục đến tận 28 Tết. “Tuy nhiên, những trường nhận trông thêm thế này không phải nhiều và phí đóng cho mỗi ngày từ 100.000 đồng - 150.000 đồng, nhưng thế vẫn còn may hơn là không biết “cắp” hai con đi gửi ở đâu”, anh Tiến cho biết.

Học và chơi hợp lý

Theo chị Nguyễn Phương Nga (nhân viên tư vấn thuộc Trung tâm tư vấn Thanh Tâm) cho biết, những ngày nghỉ Tết, các gia đình phải quản con rất chặt vì các cháu dễ sa vào chơi bời không tốt. Với trẻ nhỏ có thể gửi nhưng trẻ lớn có nhiều cách giải quyết hơn. Tuy nhiên, cả năm mới có một ngày Tết nên không nhất thiết phải bắt các con vùi mình vào bài tập như một số gia đình vẫn thường làm. Bố mẹ nên cho con nghỉ Tết vui vẻ, quây quần, sum họp bên nhau và giúp các con thoát khỏi áp lực học hành, bài vở. Để các con không “chây lười” sau kì nghỉ, các gia đình cần sắp xếp xen kẽ giữa học và chơi cho các con sao cho thích hợp. Lịch học và chơi như thế nào tùy vào độ tập trung của từng đứa trẻ, tùy hoàn cảnh từng gia đình nhưng vẫn đảm bảo không học quá nhiều hoặc chơi quá nhiều mỗi ngày.

Chẳng hạn, những ngày áp Tết, với trẻ từ cấp 2 trở lên, bố mẹ nên giao các con làm bài tập trong vòng mấy tiếng bố mẹ vắng nhà. Lúc bố mẹ rảnh, các con có thể tham gia đi siêu thị sắm đồ Tết hoặc dọn dẹp nhà cửa. Việc ép con làm quá nhiều bài tập, cho rằng đây là thời gian để đầu tư toàn bộ cho những môn học yếu kém là hoàn toàn không nên. Tốt nhất, ngay từ những ngày đầu nghỉ Tết, bố mẹ nên hỏi các con thích làm gì hoặc có kế hoạch gì cho riêng mình, xem xét lại số lượng bài vở để lên thời gian học , chơi hợp lý. Nếu được thỏa mãn nhu cầu một cách hợp lý, các cháu sẽ không còn thất vọng và hào hứng thực hiện. Đặc biệt, gia đình cần giữ lịch ăn, ngủ, nghỉ của các con diễn ra bình thường, tránh xáo trộn quá nhiều, tránh để các cháu đi chơi đêm quá khuya, ngủ dậy quá muộn…sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.


PGS.TS Nguyễn Công Khanh (Trường Mầm non Hoàng Gia- Hà Nội) cho biết, tùy vào độ tuổi của con để xếp lịch học – lịch chơi khác nhau. Trẻ ở độ tuổi tiểu học sẽ có khả năng tự học, tự chơi tốt hơn. Trẻ ở lứa tuổi mầm non cần nhiều sự hướng dẫn của người lớn. Tuy nhiên, ở cả hai lứa tuổi nếu gia đình cố gắng thu xếp dành được nhiều thời gian để học và chơi cùng con thì đều rất tốt. Gia đình cần khuyến khích trẻ tự đưa ra các ý tưởng và nghiêm túc thực hiện. Thời khóa biểu một ngày phải xen kẽ giữa hoạt động chơi và hoạt động học, lồng ghép chơi và học, đan xen hoạt động tĩnh và động.

 

Thanh Vân ( Theo Giadinh.net )
 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo