Khám phá

Cần có pháp lệnh về chính tả tiếng Việt

Một vấn đề đặt ra là có cần thiết bổ sung các chữ “f, j, w, z” vào bảng chữ cái tiếng Việt không, khi mà những chữ này lâu nay vẫn xuất hiện thường xuyên ở sách giáo khoa và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đó là kiến nghị của đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học quốc gia “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” do Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 21.12.

Theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị: Hiện nay các lỗi chính tả trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng đang diễn ra khá phổ biến và tràn lan. Lỗi chính tả và cách viết tiếng nước ngoài chưa thống nhất trên báo chí. Có nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan dẫn đến lỗi chính tả trong nhà trường nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của cách phát âm địa phương.

GS-TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Chữ quốc ngữ là tài sản vô giá của Việt Nam, song sau gần 400 năm phát triển hiện có đến 2, 3 hình thức chính tả khác nhau. Sách giáo khoa viết khác, báo chí viết khác thậm chí lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng viết khác so với những quy định của chính cơ quan này vào năm 1980”.

Trên cơ sở đó, PGS-TS Võ Văn Sen đặt vấn đề: “Có cần thiết bổ sung các chữ “f, j, w, z” vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không? Bởi những con chữ này lâu nay xuất hiện thường xuyên trong sách giáo khoa và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí cả trong từ điển tiếng Việt dù trong bảng chữ cái tiếng Việt không ghi nhận chúng”.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị: “Để giải quyết những vấn đề trước mắt về chính tả, Chính phủ cần sớm ban hành quyết định chính thức về bản chữ cái tiếng Việt và tiếng các dân tộc đã có chữ viết, về một số quy tắc chính tả còn thiếu hoặc chưa thống nhất. Quốc hội cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về ngôn ngữ và chữ viết. Hình thức văn bản thích hợp nhất với tầm vóc của vấn đề này trong điều kiện hiện nay là pháp lệnh”.

 

 

Hải Yến (Theo Dân Việt)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo