Cần có quỹ thưởng Tết cho giáo viên
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
So với các trường học của tỉnh Lâm Đồng, Trường THPT Nguyễn Du (huyện Bảo Lộc) thường có truyền thống chi tiền Tết “đậm đà”. Trường xét thưởng vừa theo bậc thi đua, vừa theo mức lương nên có những giáo viên được thưởng trên dưới chục triệu đồng. Một giáo viên trẻ của trường cho biết, cô cũng được thưởng 4 triệu đồng.
“So với nhiều anh chị trong trường tôi không bằng nhưng so với các đồng nghiệp trường khác, nhất là các trường tiểu học và THCS, tôi tự thấy mình may mắn hơn họ. Bạn tôi là giáo viên một trường THCS trong huyện chỉ được thưởng 700.000 đồng, ngoài ra công đoàn cơ quan tặng mỗi người một gói quà trong đó có gói hạt dưa, một túi mì chính nhỏ và vài thứ lặt vặt khác”, giáo viên này nói.
Thưởng Tết cũng là đề tài rôm rả cho nhiều giáo viên ở một số trường của các thành phố lớn. Tuy nhiên, do tiền thưởng có được nhờ khả năng tháo vát xoay xở của hiệu trưởng nên các trường đều có một “luật bất thành văn”, xem mức thưởng Tết là một bí mật với người ngoài. Vì vậy khi chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, các giáo viên chỉ mô tả khái quát dưới công thức “một - vài tháng lương”.
Nhưng chúng tôi cũng được biết, không ít các trường nội thành Hà Nội có mức thưởng từ dăm triệu đồng đến trên dưới 10 triệu đồng/người. Nhưng ra đến các trường ngoại thành, đặc biệt là những trường bậc học thấp (tiểu học, THCS) thì bức tranh thưởng Tết đã nhuốm một màu sắc khác.
“Năm nay trường tôi thưởng cho mỗi giáo viên 1 triệu đồng, cộng với vài ba trăm nghìn đồng/người do phụ huynh đóng góp. Như vậy cũng là gấp đôi năm ngoái”, một giáo viên Trường THPT Quảng Oai, Hà Nội cho biết.
Nhưng tiền triệu vẫn là khoản tiền thưởng đáng mơ ước của giáo viên ở hầu hết các địa phương khác. Theo giáo viên một trường THCS ở Quỳnh Lưu, Nghệ An thì năm nào cũng thế, các trường trích từ khoản tự chủ ra chi cho các thầy cô, trường nào cao lắm cũng chỉ được vài ba trăm nghìn đồng/người. Hoặc một giáo viên tiểu học ở Thái Bình cho biết, mức phổ biến của các trường ở địa phương chị đang sống là từ 50.000 - 100.000 đồng/người.
Cần một quỹ thưởng Tết cho giáo viên
Theo ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vấn đề chăm lo cái Tết cho đội ngũ giáo viên phụ thuộc vào chính sách cụ thể của từng địa phương.
Từ năm 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng viết thư kêu gọi lãnh đạo UBND các địa phương chăm lo hơn đến đời sống của các nhà giáo trong dịp Tết. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều địa phương tuyên bố chi tiền ngân sách hỗ trợ giáo viên tỉnh nhà.
Tuy nhiên, những năm sau phong trào địa phương chi tiền hỗ trợ đời sống giáo viên dịp Tết xuội dần đi.
“Bộ GD&ĐT không thể năm nào cũng viết thư kêu gọi các địa phương như vậy được. Phải để các tỉnh chủ động chăm lo cho đội ngũ giáo viên của mình. Chỉ có nội bộ ngành GD&ĐT kêu gọi nhau, giáo viên - học sinh tỉnh này hỗ trợ giáo viên - học sinh tỉnh kia”, ông Quý nói.
Theo các chuyên gia, việc thưởng Tết cho giáo viên nói riêng cũng như vấn đề lương trong ngành giáo dục nói chung như hiện nay là không thể chấp nhận được.
“Nói chuyện thưởng Tết là quá xa vời trong khi đảm bảo chi trả lương đầy đủ cho giáo viên cũng đã tốt lắm rồi! Chẳng hạn, nếu quan tâm tới giáo viên, các địa phương nên trả lương cho giáo viên cả hai tháng liền để các thầy cô có tiền mà lo Tết”, GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ ngoài công lập, nguyên Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Cũng theo GS Trần Hồng Quân, nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì bài toán cần phải giải quyết đầu tiên là giải quyết vấn đề lương cho giáo viên.
Còn GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: Vấn đề lương cũng như thưởng Tết giáo viên từ nhiều năm nay rơi vào một vòng luẩn quẩn.
Tết buồn lắm! Chẳng có tiền thưởng hay bất kỳ chế độ gì. Chỉ có mỗi khoản 50.000 đồng/giáo viên trích từ quỹ công đoàn, mà tiền quỹ công đoàn cũng là tiền mình đóng góp hằng tháng. Từ khi về trường dạy đến nay (trên chục năm), chưa bao giờ tôi thấy giáo viên được ai cho tiền hay quà Tết.
Giáo viên một trường THCS ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ
“Sau Nghị quyết T.Ư 2, giáo viên được xếp ngạch lương cao nhất. Nhưng về sau, các ngành khác tiếp tục đấu tranh nên họ lại được điều chỉnh lương, thành thử lương giáo viên lại trở về mức thấp so với các ngành khác. Tương tự câu chuyện lương, chúng ta cũng từng có câu chuyện thưởng Tết bằng lương tháng thứ 13 nhưng rồi vì một số lý do nào đó chúng ta lại bỏ trong khi các doanh nghiệp vẫn duy trì cơ chế này”, GS Đào Trọng Thi nói.
Theo GS Đào Trọng Thi, nếu vấn đề thưởng Tết cứ luẩn quẩn với nguồn ngân sách và gắn với lương thì sẽ không thể giải quyết được trong khi bài toán lớn là lương cho giáo viên vẫn chưa tìm ra lối thoát.
“Theo tôi, nên lập một quỹ gọi là quỹ thưởng Tết cho giáo viên. Thay vì phụ huynh đưa quà, đưa phong bì cho các thầy cô theo cách như đang diễn ra khá phổ biến tại các đô thị thì phụ huynh có thể ủng hộ ngành GD thông qua quỹ này. Cách này sẽ thu hút được sự đóng góp của các doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm lo lắng, quan tâm tới đời sống của đội ngũ giáo viên”, ông Thi đề xuất.
Thanh Vân ( Theo Tiền phong )
End of content
Không có tin nào tiếp theo