Thị trường

Cần nới lỏng thị trường, cứu xuất khẩu gạo

Hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo giảm, doanh nghiệp rất lo trong khi thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia và Cuba mời chào thì doanh nghiệp lại không thể bán, vì đó là thị trường do Nhà nước điều hành.

Thị trường tập trung (thị trường ký các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung theo thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và chính phủ nhà nhập khẩu - NV) như Philippines, Indonesia, Malaysia và Cuba được giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) “độc quyền” đàm phán đấu thầu rồi phân chia cho doanh nghiệp hội viên. Bốn nước nói trên luôn chiếm 2/3 sản lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam với mức giá khá cao, ổn định.

 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hợp đồng VFA ký với các thị trường này giảm mạnh, trong khi nhiều doanh nghiệp lại cho biết họ nhận được rất nhiều lời mời gọi ký hợp đồng từ các nhà nhập khẩu ở các thị trường này.

 

“Cửa sau” chào mời DN

 

Từ trước đến nay, VFA lựa chọn một thương nhân đàm phán đấu thầu các hợp đồng gạo, thường là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), rồi phân chia cho doanh nghiệp hội viên xuất hàng đi. Theo Quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của VFA, doanh nghiệp không được đăng ký hợp đồng thương mại bán cho bốn thị trường trên.

 

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hợp đồng Vinafood 2 ký giảm mạnh, trong khi nhiều doanh nghiệp lại cho biết họ nhận được rất nhiều lời mời gọi ký hợp đồng từ các nhà nhập khẩu ở các thị trường này.

 

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết: “Nhiều nhà nhập khẩu ở Philippines, Malaysia ngỏ ý muốn mua gạo thơm, gạo cấp cao, nếp với khối lượng vài ngàn tấn với giá cao, rất có lợi cho doanh nghiệp ở thời điểm này. Nhưng theo đúng quy định thì chúng tôi không được ký, đành chịu thôi”.

 

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cũng cho biết thường xuyên nhận được thông tin từ nhà nhập khẩu ở Philippines với hợp đồng lúc vài trăm tấn, lúc 2.000-3.000 tấn đủ các loại gạo 25% tấm, 5% tấm, nhiều nhất là gạo thơm và gạo nếp.

 

Cũng nhận được nhiều tín hiệu đi “cửa riêng” từ các thương nhân ở thị trường tập trung, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho biết các hợp đồng phần lớn đều nhỏ. Tuy nhiên, “một miếng khi đói bằng cả gói khi no, tiếc rằng đã là hội viên VFA thì phải tuân thủ quy chế”.

 

Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA kiêm Tổng Giám đốc Vinafood 2, thừa nhận: Ta đang thiếu hợp đồng tập trung ở các thị trường truyền thống. Lý do là Indonesia chưa nhập khẩu, Malaysia kéo dài thời gian giao hàng và Philippines nhập khẩu chậm, khối lượng gạo ký được quá thấp so với mọi năm.

 

Mở cửa thị trường trong thời gian nhất định?

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng VFA cần có giải pháp linh động cho phép doanh nghiệp ký các hợp đồng thương mại vào các thị trường tập trung mới có thể tăng xuất khẩu, kéo giá gạo lên.

 

Giá xuất khẩu gạo nước ta đang ở đáy, ngoại trừ gạo cấp thấp cao hơn gạo Myanmar, còn các loại gạo khác đều thấp nhất thế giới.

 

Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho rằng đây là thời điểm VFA nên mở cửa, cho phép doanh nghiệp xuất thương mại vào thị trường tập trung một thời gian nhất định, sau đó có thể đóng lại.

 

“Khi ấy, Hiệp hội lập giá sàn cụ thể, hợp lý, giá này có thể thay đổi theo tình hình thực tế. Hiệp hội kiểm soát chặt khối lượng, loại gạo, giá của từng doanh nghiệp xuất sang thị trường tập trung, doanh nghiệp nào vi phạm phá giá thì rút giấy phép” - ông Linh đề xuất.

 

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết: Từ đầu năm đến nay, số lượng hợp đồng hủy, hết hạn trong xuất khẩu gạo thương mại là 369.000 tấn, trong đó Trung Quốc 165.000 tấn, châu Phi 128.000 tấn. Dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức thấp, thị trường rất khó khăn.

 

Vì vậy, “Sắp tới VFA sẽ có những điều chỉnh nhất định về quy chế xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung để doanh nghiệp có thể khai thác những hợp đồng thương mại với khối lượng nhỏ, hoặc quy định loại gạo nào mới được xuất sang và sẽ có quy định giá sàn. VFA sẽ tiến hành họp với các doanh nghiệp hội viên vào đầu tháng 8, lấy ý kiến thống nhất mới đưa ra kiến nghị với Bộ và Chính phủ về vấn đề này” - ông Phong cho biết.

 

Xuất khẩu gạo sẽ chết dần vì sự “độc quyền”

Nếu doanh nghiệp nào ký được hợp đồng thì nên cho họ xuất khẩu, miễn là họ tuân thủ mức giá sàn quy định, phá giá thì ta xử phạt. Việc VFA lựa chọn Vinafood 2 đứng ra đấu thầu, ký hợp đồng tập trung - nói là Hiệp hội chọn nhưng thật ra VFA và Vinafood 2 tuy hai là một. Kiểu khư khư giữ “miếng” riêng, “mắc kẹt” ở Hiệp hội sẽ làm xuất khẩu gạo “chết” dần.

GS VÕ TÒNG XUÂN

Nguy cơ mất thị trường tập trung

Nếu ngồi đợi hợp đồng tập trung do VFA phân chia thì rất kẹt trong khi khó khăn ngày một chồng lên. VFA phải nghĩ mình là một thương nhân thực sự thì mới nhanh nhạy tìm được hợp đồng mới. Cuba, Indonesia là vẫn còn ký hợp đồng mua gạo theo kiểu chính phủ đàm phán nhưng Philipines, Malaysia đã đấu thầu theo kiểu tư nhân hết, nhà nước chỉ mua một phần nhỏ gạo.

Ông NGUYỄN THANH LONG,
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt

 

 

Theo Pháp luật TP.HCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo