Cần phổ biến Luật biển Việt Nam ở cả trong nước và quốc tế
(tuoitre) Theo ông Trục : Hội nghị này có mục đích rõ ràng về cơ hội để các quốc gia thành viên trao đổi về những vấn đề nổi lên trong quá trình áp dụng và thực hiện công ước. Sâu sắc hơn nữa là triển khai công ước có hiệu quả. Qua hội nghị này, một lần nữa Liên Hiệp Quốc mong muốn các nước thành viên, những nước đã ký kết công ước, phải nghiêm túc, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, chế định Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Trong hội nghị, đại diện của Việt Nam đã có phát biểu đầy đủ về trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của công ước. Việc giới thiệu về Luật biển Việt Nam cũng là cách thể hiện trách nhiệm trong thực hiện công ước đối với việc quy định các vùng biển, thềm lục địa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Rồi dựa vào công ước để thực hiện các quyền đàm phán, đó là những thành tích, thậm chí còn là tấm gương, bài học cho khu vực, cho quốc tế về việc giải quyết các vùng chồng lấn. Nhiều học giả, nhiều nhà khoa học quốc tế cho rằng đấy là thành công của Việt Nam.
* Thưa ông, việc chúng ta giới thiệu Luật biển Việt Nam ra thế giới có ý nghĩa như thế nào?
Thứ nhất, Luật biển Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2013, vì vậy việc phổ biến rộng rãi về Luật biển Việt Nam là hết sức cần thiết. Chúng ta là một nước thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, việc giới thiệu Luật biển Việt Nam ra hội nghị của Liên Hiệp Quốc với các nước thành viên còn thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một nước thành viên trong thực hiện các nội dung của công ước.
Thứ hai, tôi cho rằng xây dựng Luật biển Việt Nam là thể hiện trách nhiệm cao nhất trong thực hiện công ước, đó là một thành tích, là kết tinh, là sự nghiêm túc của Việt Nam với tư cách là nước thành viên luôn tuân thủ các quy định của công ước. Nói đơn thuần, khi chúng ta giới thiệu, phổ biến Luật biển Việt Nam ra thế giới cũng là để chứng minh cho bạn bè, dư luận hiểu rằng đây chính là sự nội hóa công ước của Liên Hiệp Quốc. Điều này có ý nghĩa giúp việc xử lý các mối quan hệ trong khu vực biển Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền mà đối tượng cần chấp hành chính là công dân, tổ chức của Việt Nam cũng như công dân, tổ chức của các nước khi hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
Tôi xin nói thêm là Luật biển Việt Nam còn thể hiện sự nghiêm túc trong chấp hành công ước quốc tế. Trong đó, các nội dung quy định đều cho thấy một ý nghĩa sâu sắc như Thủ tướng của Việt Nam từng phát biểu tại đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore là cần xây dựng lòng tin chiến lược. Nội hàm của lòng tin chiến lược là cần phải tôn trọng luật pháp, phải chấp hành nghiêm túc luật pháp quốc tế và luật pháp của các quốc gia liên quan.
* Ông có cho rằng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để bạn bè quốc tế tin và ủng hộ?
Chúng ta xây dựng Luật biển Việt Nam và công bố, giới thiệu, phổ biến Luật biển Việt Nam theo đúng tinh thần, trách nhiệm của một nước thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Chúng ta phổ biến luật với tinh thần thiện chí, tinh thần trách nhiệm. Thậm chí chúng ta cũng thể hiện rõ tinh thần hợp tác, muốn ngồi cùng các bên trong giải quyết các vùng chồng lấn và các tranh chấp khác khi hoạt động trên biển. Vì vậy, không có lý gì bạn bè quốc tế lại không ủng hộ. Tôi nghĩ chỉ trừ những nước có mục đích riêng, có ý đồ khác, bất chấp các quy định của công ước, muốn giành cho được các yêu sách vô lý thì có thể họ phản đối. Nhưng điều đó không có gì ngạc nhiên.
* Nhưng để đông đảo bạn bè quốc tế hiểu rõ về Luật biển Việt Nam, việc giới thiệu và phổ biến rộng rãi cần triển khai ra sao, thưa ông?
Việc giới thiệu và phổ biến Luật biển Việt Nam cần làm ở cả lĩnh vực quốc tế và trong nước. Trước tiên, việc phổ biến Luật biển ở trong nước phải có đầu tư, tập huấn. Cần chú trọng vào các lực lượng chấp pháp trên biển, cần hướng dẫn và phổ biến luật cho công dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân trên biển. Quan trọng là lực lượng chấp pháp phải hiểu và ứng xử theo đúng các quy định của Luật biển, ví như khi có người và phương tiện nước ngoài xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có cơ sở để thực hiện các thủ tục kiểm tra, xét hỏi, thậm chí dẫn độ.
Với việc giới thiệu ra quốc tế, tôi nghĩ Luật biển Việt Nam cần được dịch chuẩn xác ra các thứ tiếng rồi phổ biến rộng rãi qua các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Điều này giúp các nước hiểu và nắm rõ về chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời cũng để giải thích rõ, tránh việc một số nước, học giả hiểu sai, thậm chí cố tình thông tin sai về chủ quyền trên biển của Việt Nam.
* Ông có nhắc tới việc phải hướng dẫn, phổ biến Luật biển Việt Nam cho ngư dân. Việc này có ý nghĩa như thế nào đối với ngư dân, thưa ông?
Tôi nghĩ điều này cực kỳ có ý nghĩa với ngư dân. Một phần giúp ngư dân hiểu về chủ quyền trên biển, đồng thời cũng giúp ngư dân nắm rõ các quyền và trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Luật biển. Ví như khi ngư dân ra khơi trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, họ tự tin và hoàn toàn có cơ sở pháp lý để thực hiện việc đánh bắt. Họ cũng có niềm tin vì đó là nơi mình được bảo vệ hợp pháp.
* Xin cảm ơn ông.
Xuân Long
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024