Khám phá

Cận Tết, sinh viên làm thêm nhọc nhằn tìm chỗ ăn

Những sinh viên khu vực ngoại thành ở lại làm thêm dịp cận Tết đang khó nhọc tìm chỗ ăn cơm, do quá cận Tết hầu hết các quán đều đóng cửa, chợ không mở.

 

Với suy nghĩ tranh thủ ở lại chờ người thân cùng về quê, nhiều sinh viên kiếm việc gì đó làm thêm cuối năm để có chút “đồng ra, đồng vào” trong dịp Tết. Và, đối với  những sinh viên ăn quán ở ngoại thành hầu như bữa nào cũng “xơi” mỳ tôm, thậm chí những người chịu khó nấu ăn cũng không có rau mà mua.
 

Đi 3 km để tìm cơm

 
Đối với một sinh viên năm cuối như Nguyễn Trường Sơn, quê ở Lào Cai những ngày cuối năm sau khi thi học kỳ xong cũng là lúc có nhiều thời gian rảnh rỗi. Như mọi khi, với thời gian rảnh như vậy Sơn chỉ biết cắm vào Download phim hành động về xem hoặc chơi game.

Tết đến muốn có chút tiền tiêu, ý nghĩ đi kiếm tiền liền nảy sinh trong đầu, và nghe theo lời đứa bạn cùng dãy trọ Sơn đi bưng bê cà phê buổi sáng và tối tại khu vực Triệu Việt Vương. Nhưng nhà trọ tận thôn Phú Diễn, xã Phú Diễn. Mỗi lần đi đi về về ngót nghét 1 tiếng đồng hồ.
 
Làm thêm những dịp cuối năm thường được trả rất cao, chỉ làm trong khoảng 5 ngày cận tết, mỗi ngày Sơn được trả 200.000đ chưa nuôi ăn.

Nhưng cận tết cũng là lúc những khu vực ngoại thành như Từ Liêm chợ búa dường như đã ngừng hoạt động, các quán cơm đóng cửa, treo biển không bán cơm. Mỗi tối về đi qua cửa hàng tạp hóa thường mua mỳ tôm và trứng về ăn thay.

“Hầu hết các chợ cóc đều không bán rau, không có thứ gì có thể mua để nấu ăn được. Các quán cơm đều đồng loạt đóng cửa, chỉ còn lác đác quán phở, cháo…còn mở cửa. Mà ăn những thứ đó em không quen ăn, buổi tối nào cũng ăn mỳ tôm rồi đợi trưa hôm sau lên chỗ làm kiếm quán cơm nào đó để “ăn bù” Sơn chia sẻ về nỗi khó khăn tìm quán cơm những ngày cận Tết.
 
Cũng nằm trong hoàn cảnh ở lại làm thêm những ngày cận Tết này, Thanh Tùng, sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Công nghiệp in Hà Nội cho biết, ở khu vực nhà trọ tại xã Mỹ Đình, Từ Liêm hầu như không còn quán cơm nào mở, may chăng chỉ có cơm rang, phở và các quán nhậu. Việc đi làm thêm buổi tối và tìm một quán cơm cho ấm bụng những ngày cận tết này quả thật “như thể tìm chim”.

“Thậm chí có ngày em phải đi xe máy xuống tận khu vực trường Đại học Thương mại để ăn cơm, khoảng 3 km, vì có đi xa mới có cơm, còn ăn  mãi các thứ linh tinh như bánh chưng, bánh mỳ, bún, phở không chịu được, mặc dù chỉ tranh thủ vài ngày thôi nhưng thiếu cơm người bủn rủn, không muốn làm gì” Tùng cho biết.

 

Những khu vực chợ nhỏ ngoại thành đều ngừng bán từ mấy hôm trước. Ảnh Phương Thảo
 
Theo dự kiến của cậu sinh viên này, ngày 28 Tết mới về quê, do quê chỉ cách Hà Nội 100km nên cũng chủ động đi lại, tranh thủ làm “bảo vệ” trông hoa Mai, hoa Đào, quýt, cây cảnh… dịp Tết để kiếm thêm.
 
Là nhân  viên không chính thức cho một siêu thị chuyên bán đồ cho trẻ em nằm trên Quốc lộ 32, đoạn Nhổn – Từ Liêm, Trần Thị Thơm, sinh viên năm thứ hai ngành Kế toán hệ vừa học vừa làm của trường Đại học Công nghiệp chia sẻ, mặc dù đã cận Tết nhưng vẫn muốn ở lại bán hàng kiếm thêm thu nhập, và mối quan tâm lớn nhất là thực phẩm duy trì bữa ăn hàng ngày.

“Mặc dù em thường xuyên nấu ăn nhưng hiện tại muốn mua rau hay thực phẩm phải đi rất xa mới có. Ở quanh khu vực này có một địa điểm chợ nhưng mấy ngày nay không thấy bán gì, các quán nhỏ lẻ cũng ngừng bán từ lâu. Giờ buổi tối hoặc mua cơm hộp ở chỗ làm mang về hoặc mua mỳ gói ăn cho qua” Thơm cho biết.
 
Không mong tới Tết
 
Trái ngược với suy nghĩ, cả năm có Tết là thời gian quý để sum họp, gặp mặt người thân cùng bạn bè nhưng nhiều sinh viên có suy nghĩ trái ngược, với họ Tết chỉ là quãng thời gian “cướp đi”  bao nhiêu thời lượng kiếm tiền thêm hàng ngày. 

 

Một số sinh viên không mong tới Tết, muốn ở lại tiếp tục làm thêm. Trong ảnh là Đ.T.T.L hàng ngày tối về ăn mỳ tôm, sáng tranh thủ mấy ngày cận Tết kiếm thêm. Ảnh Phương Thảo
 
Đ.T.T.L là một điển hình, L là sinh viên cũng kiêm nhân viên bán hàng quần áo cho một cửa hàng trên đường Chùa Bộc cho biết, lương cứng mỗi tháng cũng được 2 triệu, đối với sinh viên số tiền này có thể trang trải một số khoản cho cuộc sống hàng tháng, những ngày gần Tết cường độ dành cho công việc tăng lên so với ngày thường từ 7 giờ sáng tới 22 giờ đêm.

“Em dự định 29 Tết mới về vì riêng ngày 28 Tết chủ của hàng trả cho 400.000đ/ngày, cố gắng ở tới tận ngày đó. Thực ra nếu ngày nào kiếm được nhiều tiền như vậy thì không mong tới Tết thật. Chỉ cần vài ngày là kiếm được món cũng kha khá” L chi sẻ.
 
Chi sẻ với chúng tôi về những ngày cận Tết làm thêm, Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên trường Đại học Thương Mại cho biết, do áp lực thời gian nên các nơi thuê người làm những ngày này thường trả mức lương rất “khủng”, bản thân Anh tính tới ngày hôm nay (27 Tết), sau 1 tuần được nghỉ cũng đã kiếm được 1,6 triệu tiền thuê bán cây cảnh trên đường Hồ Tùng Mậu, tuy thời gian có áp lực, phải làm việc tới tận khuya tầm 23 giờ đêm mới nghỉ nhưng mức lương cũng chấp nhận được.

“Việc gì thì việc, miễn hợp với khả năng, quan trọng là kiếm tiền cho mấy ngày Tết sắp tới. Em cũng không quan trọng Tết lắm, Tết bây giờ không được “cổ truyền” như trước, giờ người ta vừa ăn Tết và đi làm cũng chẳng sao” Tuấn Anh thổ lộ.
 
Những câu chuyện bên lề của sinh viên còn muôn hình muôn vẻ, cuộc sống sinh viên là thế, có thể những guồng quay của cuộc sống khiến người này, người khác suy nghĩ trái ngược nhau, những hoàn cảnh tạo nên điều kiện sống khác nhau và đúng chất sinh viên.

Theo GDVN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo