Thị trường

Cần vài tỉ USD để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Giám sát tài chính, trong gói giải pháp tiền tệ mới đây để hỗ trợ doanh nghiệp, vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu lại nợ cho họ. Nguồn lực Chính phủ phải bỏ ra sẽ vào khoảng vài ba tỉ USD.

Cũng theo ông Nghĩa, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến thời điểm này mới dồn dập thực hiện là chậm, do vậy cái giá phải trả sẽ cao hơn trong khi hiệu quả đạt được sẽ thấp và chậm.

 

Cụ thể, ông Nghĩa phân tích: Hàng loạt các biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xoay quanh hai gói chính sách về tài khoá và tiền tệ. Trong gói chính sách về tài khoá, quyết định gia hạn thuế giá trị gia tăng có tác động tương đối rộng lớn; việc giảm và gia hạn nộp tiền sử dụng đất cũng góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất “sạch” trong một chu kỳ kinh doanh mới.

 

Riêng các quyết định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân, chỉ có tác dụng hạn chế, bởi một tỷ lệ lớn doanh nghiệp đang rơi vào cảnh “sống mòn”, lấy đâu ra thuế thu nhập doanh nghiệp để mà được giãn, hoãn.

 

Ông Nghĩa cho rằng gói hỗ trợ được thị trường trông đợi nhất liên quan đến các chính sách nới lỏng tiền tệ, bao gồm bốn quy định mới: áp dụng trần cho vay đối với một số lĩnh vực; mở rộng tín dụng bất động sản; hạ mặt bằng lãi suất và phân loại doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ.

 

Nếu như gói chính sách về tài khoá, điều kiện thực hiện đơn giản là Chính phủ trình Quốc hội thông qua thì gói chính sách về tiền tệ lại phụ thuộc vào sự hưởng ứng của các ngân hàng thương mại, trong khi theo quan sát của ông thì khả năng hưởng ứng là không cao, vì lòng tin đã mất mát, giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng như giữa chính các ngân hàng với nhau.

 

Cơ sở nào để ông cho rằng lòng tin đã bị mất mát?

 

Thị trường ngân hàng rơi vào tình trạng gần như đóng băng về tín dụng. Đến hết quý 1 năm nay, tăng trưởng tín dụng vẫn “âm” gần 2%; tăng trưởng tiền gửi ở mức rất thấp: dưới 1,5%. Trên thực tế, có nhiều ngân hàng dư thừa vốn, như ngân hàng ACB dư thừa ít nhất 50.000 tỉ đồng; các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn dư thừa hàng trăm ngàn tỉ đồng, song không cho vay ra được.

 

Trong khi đó, nhiều ngân hàng nhỏ, yếu kém thì vẫn khó khăn về thanh khoản. Một trong những biểu hiện rất rõ là diễn biến của thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch giảm rất mạnh, chỉ bằng vài chục phần trăm so với trước đây, dù lãi suất trên thị trường này rất thấp, khoảng 5 – 6%/năm đối với lãi suất qua đêm.

 

Đối với cho vay doanh nghiệp, một số ít khách hàng tốt các ngân hàng phải tranh giành nhau để mời vay nhưng nhiều trường hợp muốn vay thì ngân hàng lại không dám vì đa phần đều không đủ điều kiện. Vài ngân hàng công bố gói cho vay tiêu dùng, như BIDV, An Bình…, nhưng điều kiện khá ngặt nghèo mà lượng vốn được vay bị giới hạn dưới 300 triệu đồng, nghĩa là không mấy thay đổi so với trước.

 

Cách nào để khơi thông dòng vốn, thưa ông?

 

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tái cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ phải bỏ tiền ra mua lại nợ xấu. Bởi nếu không, doanh nghiệp hoặc không dám vay, hoặc không đủ điều kiện vay, hoặc vay được rồi cũng sử dụng sai mục đích là vay mới để trả lại nợ cũ. Trong trường hợp này, vốn không được dùng để sản xuất, kinh doanh mà chỉ để kéo dài sự “sống mòn” của doanh nghiệp.

 

Theo ông, cần bao nhiêu tiền để tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, và nguồn lực này lấy ở đâu ra?

 

Trước hết, chúng ta có thể khoanh, xử lý nợ ở nhóm 4, nhóm 5, tập trung trước hết ở những doanh nghiệp có khoản nợ lớn mà theo ước lượng của tôi vào khoảng vài ba tỉ USD. Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta có thể khoanh nợ, giãn nợ.

 

Để có nguồn lực này, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu chính phủ mà theo nhận định của tôi, rất nhiều ngân hàng thương mại dư dả vốn sẽ sẵn sàng mua.

 

Trong trường hợp này, có lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại?

 

Khi có hiện tượng lạm phát, ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể hút tiền về, hoạt động bơm tiền ra – hút về là một nghiệp vụ bình thường của cơ quan quản lý này.

 

Mọi chính sách của Chính phủ hiện nay đang hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, trong khi cách đây chưa lâu đã phải ra sức làm ngược lại nhằm mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bài học nào được rút ra, thưa ông?

 

Các chính sách của chúng ta có phần bị động và giật cục. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn, từ quý 4 năm ngoái, với liều lượng tăng dần. Có như vậy, cái giá phải trả sẽ ít hơn nhiều. Còn như hiện nay, chúng ta phải trả giá nhiều hơn mà hiệu quả cũng chậm và thấp hơn, bởi một lượng không nhỏ doanh nghiệp đã chết trước khi được cứu. Theo thông tin từ báo Lao Động, hơn 183.000 doanh nghiệp “đã chết”.

 

Tính trung bình, mỗi doanh nghiệp có quy mô 20 lao động, thì đã có gần 4 triệu lao động bị thất nghiệp. Các doanh nghiệp còn lại, đa phần rơi vào tình cảnh khó khăn, thu nhập người lao động cũng èo uột. Tính chung lại, thu nhập quốc dân giảm mạnh, sức mua yếu, doanh nghiệp sản xuất ra cũng không có người mua.

 

Nói như vậy, chúng ta khó trông đợi vào các giải pháp kích cầu?

 

Nền kinh tế là một chuỗi các giá trị gắn kết, không thể chỉ kích vào quả trứng hay con gà, và cũng không thể “dựng” các doanh nghiệp cùng đứng dậy một lúc được.

 

Cảm ơn ông!

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo