Càng gỡ, càng khó
Đơn cử như sau cuộc gặp gỡ cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp lo lắng, lãi suất không những khó giảm mà còn có nguy cơ tăng khi lãnh đạo một ngân hàng lớn cho rằng, chênh lệch 6% giữa huy động và cho vay hiện nay là thấp vì ngân hàng phải chịu nhiều chi phí. Nếu mức chênh lệch này thấp, hy vọng ngân hàng giảm lãi vay là rất khó. Không biết chừng, để bảo đảm kế hoạch lợi nhuận năm nay, các ngân hàng chẳng âm thầm tăng lãi suất như họ đã từng làm?
Vấn đề đặt ra là, mức chênh lệch này có thực sự thấp hay không khi trước đó, chính Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và rất nhiều người trong ngành đã khẳng định, chênh lệch đầu ra, đầu vào từ 2,5-3% đủ để các ngân hàng có lãi. Đây cũng chính là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đưa ra lãi vay ưu tiên 12-13% áp dụng cho một số lĩnh vực "chiếu" theo trần huy động 9%. Vậy nếu mức chênh lệch này thực sự thấp, không lẽ Ngân hàng Nhà nước tính sai?
Tương tự, việc giảm lãi vay hợp đồng cũ về 15% được coi là một giải pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng tại cuộc họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lại giải thích, Ngân hàng Nhà nước chỉ "kêu gọi, vận động" các ngân hàng giảm cho doanh nghiệp chứ không thể yêu cầu họ giảm...
Vấn đề không phải là đúng hay sai mà là nên hay không nên khẳng định như thế. Bởi thế này khác nào bảo ngân hàng muốn giảm thì giảm, không thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận. Với tuyên bố này, từ nay về sau, các doanh nghiệp nếu không được hạ lãi vay về 15%, cũng không dám kêu ca hay than thở. Cuộc gặp gỡ, cuối cùng lại là khó cho doanh nghiệp.
Các cơ sở chăn nuôi heo, gà đang treo chuồng vì đói vốn; nông dân và doanh nghiệp nuôi cá tra chết vì không có tiền... Họ đều thuộc danh sách các lĩnh vực được ưu tiên vay vốn, ưu tiên lãi suất, tại sao cơ quan quản lý không tới tận nơi tìm hiểu xem vì lý do gì vốn ưu đãi không đến được với họ?
Hàng tồn kho chất như núi nhưng các ngân hàng chỉ chấp nhận thế chấp bằng bất động sản, vậy làm sao vốn có thể tới tay doanh nghiệp? Nhiều ngân hàng vẫn đang lách trần huy động từ cơ chế lãi suất trung - dài hạn thỏa thuận của Ngân hàng Nhà nước, việc giám sát, thanh tra thế nào? Đây mới là những việc làm thiết thực nhất, hiệu quả nhất để giảm lãi suất, để vốn có thể đến được với sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp đã kiệt quệ, giải pháp cần trực tiếp, hiệu quả và nhanh chóng. Nếu vẫn cứ hội thảo, hội nghị để "thanh minh", để giãi bày thì chỉ lãng phí tiền của nhà nước mà không giải quyết được vấn đề. Như hai cuộc gặp gỡ có Ngân hàng Nhà nước tham gia tổ chức gần đây, doanh nghiệp đã kỳ vọng rất nhiều vào sự điều tiết của cơ quan quản lý, nhưng cuối cùng không ít tiếng thở dài đã được thốt ra, "càng gỡ, càng khó".
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 7/11/2024: Tiếp đà tăng, đạt mức cao nhất 64.000 đồng/kg