Khám phá

Cảnh giác website 'giả' các bến xe Hà Nội dịp Tết

Ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, khẳng định website chính thức và duy nhất của công ty là benxehanoi.vn, ngoài ra không có bất cứ một địa chỉ nào khác.

Thanh Niên Online vừa nhận được phản ánh của một số bạn đọc về việc xuất hiện trang web có địa chỉ benxemydinh.vn có các hình ảnh Bến xe Mỹ Đình, cung cấp thông tin các tuyến xe khách từ bến xe này đi các tỉnh thành, tuyến xe buýt nội thành Hà Nội, thông tin bạn cần biết, dịch vụ chuyển hàng…

 

Giao diện của benxemydinh.vn rất dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng là nó thuộc sở hữu của Bến xe Mỹ Đình - Ảnh: Cẩm Giang chụp màn hình
 
 
Trong khi đó, đây mới là giao diện chính thức của trang web của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội benxehanoi.vn, trong đó có các thông tin về các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm - Ảnh: Cẩm Giang chụp màn hình
 
 
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, khẳng định Xí nghiệp quản lý bến xe phía Tây (Bến xe Mỹ Đình) không có trang web riêng, tất cả các thông tin về bến đều có trong trang web chính thức của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội là benxehanoi.vn.
 
 
Sáng 7.2, phóng viên Thanh Niên Online truy nhập vào địa chỉ benxemydinh.vn, giao diện trang chủ của trang này có dòng chữ in đậm “Thông tin bến xe Mỹ Đình”. Trên trang này cũng có hình ảnh Bến xe Mỹ Đình giống hệt trên trang chủ benxehanoi.vn.
Khi tìm kiếm chuyến xe từ Mỹ Đình đi Mộc Châu, trên trang này hiển thị các thông tin giờ đi, giờ về, nhà xe, biển số xe, số điện thoại liên hệ với nhà xe, thông tin nhà xe…
 
 
Khi vào phần liên hệ trên trang web này, thông tin chúng tôi nhận được là: Bản quyền thuộc về benxemydinh.vn, mọi chi tiết liên hệ với một người tên Dương, địa chỉ Hà Đông, Hà Nội với đầy đủ số điện thoại, email, mã số thuế.
 
 
Người này cũng khẳng định website đã thông báo với Bộ Công thương. Số điện thoại liên hệ với chủ website cũng chính là số điện thoại đường dây đặt chuyển hàng giữa các tỉnh thành.
 
 
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, rất bức xúc với việc nhập nhèm trong việc sử dụng tên miền như hiện nay. "Nhiều khách hàng khi tìm thông tin chính thống về bến xe Mỹ Đình đã truy cập nhầm vào các trang web có tên miền gần giống, gây hiểu nhầm về chủ sở hữu", ông Toàn nói.
 
 
Đặc biệt, trong bối cảnh gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu vé xe Tết của người dân tăng đột biến, nguy cơ nhiều hành khách bị "sập bẫy" các trang web trá hình của các bến xe trực thuộc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội càng gia tăng.
Ngày 26.1.2015, Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần bến xe Hà Nội đã ra “Thông báo về việc xuất hiện loại hình dịch vụ kinh doanh hỗ trợ vận tải trá hình trên internet”.
 
 
Văn bản do ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc công ty cổ phần bến xe Hà Nội, ký nhấn mạnh: Website chính thức và duy nhất của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội là benxehanoi.vn.
 
 
Các xí nghiệp trực thuộc công ty là Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Giáp Bát, Bến xe Gia Lâm không có địa chỉ website riêng. Hiện tại, công ty chưa triển khai bán vé qua mạng.
 
 
Tên miền dễ gây nhầm lẫn vẫn được cấp dễ dàng
 
 
Bằng một số thao tác, Thanh Niên Online tìm ra thông tin chi tiết của người chịu trách nhiệm tên miền benxemydinh.vn trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử - Bộ Công thương: http://www.online.gov.vn/
 
 
Cũng trên Cổng thông tin này, chúng tôi được chỉ dẫn 7 bước để được đăng ký một website thương mại điện tử. Trong đó, ở bước số 6, sau khi duyệt hồ sơ điện tử, người chịu trách nhiệm về tên miền phải mang hồ sơ giấy về Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) tại địa chỉ 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm để được chờ duyệt. Tên miền benxemydinh.vn vẫn được cho phép vì làm đúng thủ tục, dù rất dễ gây nhầm lẫn là nó thuộc sở hữu của Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội.
 
 

 Về nội dung cạnh tranh không lành mạnh, tại điểm d, khoản 1, điều 130 luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác, hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài 3 biện pháp thương lượng hòa giải, trọng tài và khởi kiện tại tòa án, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền còn được xử lý theo thủ tục hành chính được quy định tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Theo Thanh Niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo