Cạnh tranh

Chuyên gia: Thiếu nền tảng GHG Protocol, kiểm kê phát thải chỉ là hình thức

DNVN - Tình trạng số liệu phát thải "nhảy múa", thiếu nhất quán sau mỗi lần kiểm kê đang là bài toán đau đầu của không ít doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh này, nền tảng GHG Protocol được coi là giải pháp khoa học giúp doanh nghiệp chuẩn hóa dữ liệu, hướng tới Net Zero và tham gia thị trường carbon quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ / Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng từ Trung Quốc

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cam kết giảm phát thải ròng về "0" (Net Zero), nhiều doanh nghiệp và địa phương đã bắt đầu hành trình kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, quá trình này đang vấp phải không ít thách thức, dẫn đến tình trạng số liệu thiếu nhất quán và không đáng tin cậy. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Trung, chuyên gia cao cấp về quản lý khí nhà kính và trung hòa carbon.

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp đang loay hoay với việc kiểm kê khí nhà kính và thường cho ra những con số khác nhau sau mỗi lần thực hiện. Ông nhìn nhận thực trạng này ra sao?

Ông Phạm Hoài Trung: Đây là tình trạng đang diễn ra phổ biến. Vấn đề đáng lưu tâm nhất là mỗi lần kiểm kê lại cho ra một con số khác nhau, không phải vì phát thải thay đổi mà vì cách tiếp cận thiếu thống nhất. Có doanh nghiệp kiểm kê ba năm ra ba kết quả khác biệt đáng kể, hay thậm chí trong cùng một tập đoàn, các bộ phận lại báo cáo số liệu không khớp nhau.


Ông Phạm Hoài Trung, chuyên gia cao cấp về quản lý khí nhà kính và trung hòa carbon.

Nguyên nhân gốc rễ không nằm ở dữ liệu, mà ở sự mơ hồ trong việc xác định ranh giới tổ chức, ranh giới hoạt động và các phạm vi phát thải (Scope). Trong phạm vi phát thải có Scope 1 (phát thải trực tiếp), Scope 2 (phát thải gián tiếp từ năng lượng mua vào), Scope 3 (phát thải gián tiếp khác trong chuỗi giá trị).

Nhiều báo cáo hiện nay chỉ dừng ở mức mô tả chung chung, không thể truy vết nguồn dữ liệu, không giải thích được cơ sở lựa chọn hệ số phát thải. Đặc biệt, Scope 3 – vốn chiếm phần lớn phát thải trong các ngành dệt may, thực phẩm, logistics – lại thường bị bỏ qua hoặc tính toán sơ sài. Khi thiếu một phương pháp luận chung, dữ liệu trở nên vô giá trị, không thể dùng để phân tích, ra quyết định đầu tư, và càng không thể làm cơ sở tham gia thị trường carbon.

Vậy đâu là giải pháp trọng tâm để khắc phục tình trạng hỗn loạn này, thưa ông?

Ông Phạm Hoài Trung: Giải pháp nền tảng duy nhất hiện nay là phải tiếp cận và áp dụng đúng theo GHG Protocol (Bộ quy chuẩn Kế toán và Báo cáo Khí nhà kính cho tổ chức). Đây là bộ tiêu chuẩn kiểm kê phát thải phổ biến nhất thế giới, được phát triển bởi Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì Phát triển Bền vững (WBCSD).

Sức mạnh của GHG Protocol nằm ở chỗ nó cung cấp một khung phương pháp luận rõ ràng, logic và linh hoạt. Hơn 90% doanh nghiệp lớn toàn cầu có báo cáo phát thải đều dựa trên GHG Protocol. Các thành phố lớn như London, New York, Seoul cũng dùng chuẩn này để kiểm kê cấp đô thị.


Theo chuyên gia, nếu không có nền tảng GHG Protocol, mọi báo cáo ESG đều trở nên yếu ớt.

Hàng trăm dự án tín chỉ carbon uy tín (Verra, Gold Standard) và cả thị trường carbon châu Âu (EU ETS) đều tham chiếu đến GHG Protocol.

Nó không chỉ hướng dẫn cách xác định ranh giới và phạm vi, mà còn cung cấp một cấu trúc phân loại 15 danh mục Scope 3 cực kỳ chi tiết, từ nguyên vật liệu đầu vào, vận tải, xử lý chất thải, đến quá trình sử dụng và thải bỏ sản phẩm của người tiêu dùng. Điều này giúp doanh nghiệp không bỏ sót các nguồn phát thải quan trọng.

Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của GHG Protocol trong hệ sinh thái ESG đang ngày càng được quan tâm?

Ông Phạm Hoài Trung: Có thể nói, GHG Protocol chính là xương sống kỹ thuật của trụ cột Môi trường (E) trong ESG. Nếu không có nền tảng này, mọi báo cáo ESG đều trở nên yếu ớt.

Tất cả các khung báo cáo bền vững hàng đầu như Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Dự án Công bố Carbon (CDP), Nhóm Công tác về Công bố Thông tin Tài chính Liên quan đến Khí hậu (TCFD), và đặc biệt là các chuẩn mới mang tính bắt buộc như Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế về Công bố Bền vững số 2 (IFRS S2) hay Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp của EU (CSRD), đều yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo phát thải Scope 1, 2 và 3 dựa trên GHG Protocol.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, việc bỏ qua Scope 3 là một sai lầm chiến lược. Trong các ngành như dệt may, nông sản, logistics, Scope 3 thường chiếm 70-90% tổng lượng phát thải. Không kiểm kê Scope 3 đồng nghĩa với việc không kiểm soát được rủi ro phát thải lớn nhất của mình, và chắc chắn sẽ bị loại khỏi các chuỗi cung ứng xanh trong tương lai rất gần.

Ngoài doanh nghiệp, GHG Protocol có thể được áp dụng cho quy hoạch vùng, đô thị hay khu công nghiệp không, thưa ông?

Ông Phạm Hoài Trung: Theo tôi, hoàn toàn có thể áp dụng và nên được áp dụng bắt buộc. Nhiều quốc gia đã yêu cầu chính quyền địa phương lập báo cáo phát thải theo chuẩn GHG Protocol để làm cơ sở xây dựng chính sách khí hậu.

Việt Nam có thể dùng GHG Protocol để thiết kế các mô hình tiên tiến như: vùng phát thải thấp (Low Emission Zone - LEZ) tại trung tâm đô thị; cảng biển xanh, khu công nghiệp sinh thái; vùng nông nghiệp phát thải thấp.

Chuẩn này giúp chúng ta lượng hóa cả những nguồn phát thải phức tạp mà trước đây thường bị bỏ qua, như phát thải từ việc đi lại của nhân viên hay từ quá trình sử dụng sản phẩm sau khi bán. Đây là cơ sở để xây dựng các mô hình tài chính carbon và triển khai dự án tín chỉ carbon cấp địa phương một cách bài bản.

Liên quan đến tín chỉ carbon, theo ông, mối liên hệ giữa GHG Protocol và các dự án tín chỉ carbon theo chuẩn quốc tế (như ISO 14064-2) là gì?

Ông Phạm Hoài Trung: GHG Protocol là điều kiện tiên quyết. Để một dự án được cấp tín chỉ carbon, nó phải chứng minh được lượng phát thải đã giảm so với một đường cơ sở (baseline). Việc xác lập đường cơ sở này bắt buộc phải tuân thủ phương pháp của GHG Protocol để bảo đảm tính chính xác và minh bạch.

Tất cả các tổ chức xác minh tín chỉ carbon uy tín như Verra (VCS) hay Gold Standard đều yêu cầu dự án phải có mô hình kiểm kê tương thích với GHG Protocol. Nó cũng là nền tảng để xây dựng hệ thống MRV (Đo lường, Báo cáo, Thẩm tra) – trụ cột của mọi thị trường carbon, từ tự nguyện đến bắt buộc. Nếu không có hệ thống MRV đạt chuẩn, tín chỉ carbon sẽ không được quốc tế công nhận và không có giá trị thương mại.

Có thể nói, việc nắm vững và triển khai GHG Protocol không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp, địa phương và các ngành kinh tế Việt Nam có thể đo lường phát thải một cách nhất quán, minh bạch và chứng minh cam kết khí hậu của mình. Trong bối cảnh các quy định tài chính xanh và hàng rào thương mại carbon như CBAM của EU đang đến rất gần, đầu tư vào năng lực kiểm kê theo GHG Protocol là một khoản đầu tư chiến lược không thể trì hoãn.

Trân trọng cảm ơn ông!


* Ông Phạm Hoài Trung có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn và thẩm định các dự án phát thải trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp và cơ quan nhà nước tại Việt Nam và châu Á xây dựng chiến lược giảm phát thải và báo cáo ESG.

* Công ty Azitech và Công ty TNHH Tư vấn Thực hành Phát triển bền vững GreenGo hiện là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn và triển khai thực hành GHG Protocol, phân tích vòng đời sản phẩm (LCA) cho doanh nghiệp, khu công nghiệp và cơ quan quản lý. Azitech cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững và ESG tích hợp theo các chuẩn quốc tế như GRI, CDP, ISO 14064 và CSRD.


Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm