Cạnh tranh

Doanh nghiệp điện tử FDI 'kẻ khóc, người cười' trước thuế quan Mỹ

DNVN - Theo giới chuyên gia, chính sách thuế của Mỹ đang tạo ra sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp FDI điện tử. Trong khi Samsung, Intel gần như miễn nhiễm, thì các doanh nghiệp pin mặt trời lại đối mặt với rủi ro cực lớn, đòi hỏi chiến lược ứng phó linh hoạt.

Thép Việt 'thoát' thuế chống bán giá của Malaysia / Doanh nghiệp đứng trước cơ hội lớn và bài toán sàng lọc khắc nghiệt

Sự phân hoá rõ rệt

Báo cáo phân tích chuyên sâu của FiinRatings công bố mới đây đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về ngành FDI điện tử, trụ cột kinh tế của Việt Nam, trước những tác động mạnh mẽ từ chính sách thương mại của Mỹ.

Báo cáo cho thấy, ngành FDI điện tử tiếp tục khẳng định vị thế không thể thay thế trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm tới 46,5% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Sức ảnh hưởng này tập trung chủ yếu vào một số doanh nghiệp hàng đầu, với 48 doanh nghiệp lớn nhất đóng góp tới 70% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Trong đó, hệ sinh thái các sản phẩm liên quan đến Samsung chiếm 30% và các sản phẩm của Apple chiếm 9%.

Về đóng góp tài chính, FiinRatings ước tính khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đóng góp khoảng 21,6% doanh thu và 27,7% lợi nhuận gộp của toàn bộ nền kinh tế. Riêng các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử đã chiếm tới 39,4% doanh thu và 28,9% lợi nhuận gộp của toàn khối FDI. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược và mức độ tập trung của ngành.


Theo giới chuyên gia, chính sách thuế của Mỹ đang tạo ra sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp FDI điện tử.

Theo các chuyên gia của FiinRatings, chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tạo ra sự phân hóa rõ rệt, được FiinRatings chia thành 3 nhóm chính: nhóm ít bị ảnh hưởng, nhóm tiềm ẩn rủi ro và nhóm chịu thiệt hại nặng nhất.

Trong đó, nhóm ít bị ảnh hưởng bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu thành phẩm được miễn thuế trực tiếp như Samsung và Intel. Các công ty vệ tinh của họ (như SOLUM VINA, LG Innotek) khi xuất khẩu linh kiện bán thành phẩm không được miễn thuế vẫn có thể linh hoạt chuyển hướng sang thị trường khác hoặc tăng tiêu thụ nội địa để "tránh" bão thuế.

Nhóm tiềm ẩn rủi ro gồm các doanh nghiệp FDI xuất khẩu thành phẩm không nằm trong danh sách miễn thuế. Nhóm này sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn nếu thuế quan được áp dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.

Trong khi đó, nhóm chịu thiệt hại nặng nhất, đại diện là các sản phẩm bị coi là "trung chuyển" (transshipment), điển hình là pin năng lượng mặt trời. Các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp rất cao, từ 68%-542%, dẫn đến nguy cơ chi phí tăng đột biến và mất thị phần trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, rủi ro về dòng vốn FDI tháo chạy đã được giảm thiểu đáng kể. Thỏa thuận ngày 2/7/2025 ấn định mức thuế cơ sở tạm thời là 20%, thấp hơn nhiều so với đề xuất ban đầu là 46%. Mức thuế này giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ. Thực tế, dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì.

Cơ hội lịch sử cho chuỗi cung ứng nội địa

Báo cáo cũng đã chỉ ra điểm yếu lớn nhất của ngành điện tử Việt Nam là công nghiệp phụ trợ còn rất kém phát triển. Dữ liệu cho thấy, chưa tới 1% nguyên liệu đầu vào đến từ doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 15% từ các doanh nghiệp FDI vệ tinh, và có tới 84% phải nhập khẩu hoàn toàn.

Ngay cả trong hệ sinh thái của "ông lớn" Samsung, hầu như không có doanh nghiệp nội địa nào tham gia vào các khâu công nghệ lõi như sản xuất mạch in (PCB), vi mạch (IC) hay module cảm biến. Doanh nghiệp Việt chỉ tham gia vào các khâu phụ trợ giá trị thấp như bao bì, khiến mức độ lan tỏa giá trị gia tăng và chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, chính sách thuế mới lại mở ra một cơ hội lịch sử. Với mức thuế dự kiến lên tới 40% đối với hàng hóa "trung chuyển", việc chỉ lắp ráp tại Việt Nam từ linh kiện nhập khẩu sẽ không còn hiệu quả. Điều này tạo ra áp lực, đồng thời là động lực để các doanh nghiệp FDI phải dịch chuyển sâu hơn chuỗi cung ứng, phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu thượng nguồn tại Việt Nam.

"Đây là cơ hội để Việt Nam tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa linh kiện và phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu. Việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa là bước then chốt giúp các doanh nghiệp nâng cao tính bền vững, giảm thiểu rủi ro thương mại và nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất tại Việt Nam", FiinRatings nhận định.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm