Vì sao Việt Nam chưa có thị trường carbon đúng nghĩa?
Doanh nghiệp đứng trước cơ hội lớn và bài toán sàng lọc khắc nghiệt / Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ
Tại diễn đàn Net Zero Việt Nam ngày 18/7, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang gây ra những thảm họa ngày càng kinh khủng. Đáng báo động nhất, hàm lượng carbon trong khí quyển chỉ trong 200 năm qua đã tăng gấp đôi và tốc độ vẫn đang gia tăng chóng mặt.
Trong khi đó, Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng phát thải khí nhà kính nhanh nhất thế giới. "Nếu trước đây Trung Quốc dẫn đầu về tốc độ tăng, thì nay họ đã giảm tốc đáng kể. Giảm phát thải đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, một sứ mệnh chung của toàn nhân loại", TS Nghĩa khẳng định.
Theo ông Nghĩa, Net Zero là một xu thế không thể đảo ngược và đang tiến về phía trước một cách mạnh mẽ. Bắt đầu từ năm 2027, ngành hàng không toàn cầu sẽ áp thuế phát thải carbon, và chi phí này sẽ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng qua giá vé máy bay. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị yêu cầu khoảng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất phải thực hiện báo cáo phát thải.
"Net Zero không phải là một lựa chọn, mà là một cam kết bền vững của nhân loại trong thế kỷ 21", Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa cam kết Net Zero, việc phát triển thị trường carbon được xem là một trong những giải pháp trọng tâm. Theo TS Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) định giá carbon và phát triển thị trường carbon là một trong năm nhóm giải pháp chính của quốc gia.
"Trên thế giới đã có 80 quốc gia áp dụng cơ chế định giá carbon. Giải pháp này đã giúp kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải toàn cầu, với quy mô giao dịch lên tới 152 tỷ USD. Điều này cho thấy đây là một công cụ thực sự hiệu quả", ông Quang thông tin.
Với Việt Nam, lộ trình đã được vạch ra cụ thể trong Đề án phát triển thị trường carbon được Thủ tướng phê duyệt ngày 24/1/2025.
Theo đó, từ nay đến năm 2028, triển khai vận hành thử nghiệm. Từ năm 2029, vận hành chính thức và kết nối với thị trường carbon thế giới.
Hiện tại, các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, phấn đấu hoàn thiện trong năm nay để có thể vận hành thử nghiệm thị trường vào cuối năm 2025. Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon.
Mặc dù lộ trình đã có, con đường vận hành thị trường carbon của Việt Nam còn nhiều trở ngại. Phân tích sâu hơn về những thách thức, PGS Nguyễn Đình Thọ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Nông nghiệp và Môi trường chỉ ra điểm yếu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là năng lực, bao gồm cả chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tiếp nhận tài chính, công nghệ xanh.
"Việt Nam đang thiếu năng lực về vấn đề này ở tất cả các cấp, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến cộng đồng. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa hình thành được một thị trường carbon đúng nghĩa: chưa có hệ thống vận hành, chưa có thành viên tham gia, và đặc biệt là chưa có hàng hóa carbon rõ ràng", ông Thọ nêu.

Cũng theo chuyên gia, một số nơi đã bắt đầu tạo ra tín chỉ carbon, nhưng để những tín chỉ đó được giao dịch thực sự thì cần phải có sự kết nối giữa thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ, giữa thị trường trong nước và quốc tế. Để kết nối được với thị trường quốc tế, phải thực hiện theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, tức là cần có "thư ủy quyền" từ phía Chính phủ.
"Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất đối với những người đang làm tín chỉ carbon ở Việt Nam. Vì muốn bán được tín chỉ ra quốc tế, Chính phủ phải đánh giá được tác động của các dự án này đến việc thực hiện cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định). Chỉ khi lượng tín chỉ carbon tạo ra là phần dư sau khi đã thực hiện cam kết NDC thì chúng ta mới được phép bán. Và hiện nay, chúng ta chưa làm được điều đó. Do đó, toàn bộ các dự án bán tín chỉ carbon đều đang bị tạm dừng", PGS Nguyễn Đình Thọ phân tích.
Trong khi đó, các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia hay Singapore đều đã đi trước Việt Nam một bước.
Theo ông Thọ, chính vì những hạn chế về nguồn nhân lực, năng lực tiếp nhận tài chính, công nghệ và khả năng quản lý thị trường mà Việt Nam hiện vẫn chưa thể để thị trường carbon vận hành một cách độc lập. Việt Nam buộc phải tạm dừng và tiếp tục nghiên cứu thêm, trước khi có thể chính thức vận hành thị trường này.
Phản ánh từ thực tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, Quyết định 232 của Chính phủ quy định việc bán tín chỉ carbon ra nước ngoài phải trình Thủ tướng xem xét, tạo ra một rào cản rất lớn.
Ông chia sẻ câu chuyện của chính đơn vị mình: Viện Tư vấn Phát triển đang quản lý một khu sinh quyển với 300 ha rừng tự nhiên.
"Chúng tôi đã tự bỏ kinh phí đo đạc, xác minh và định lượng tín chỉ carbon đầy đủ. Chúng tôi chỉ muốn bán để có kinh phí nuôi lực lượng bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Thế nhưng, chúng tôi không bán được. Rào cản này đang tước đi cơ hội của hàng triệu người đang ngày đêm gìn giữ rừng", ông Nghĩa trăn trở.
Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển mong muốn có sự thay đổi trong tư duy chính sách, bởi rừng không chỉ là lá phổi xanh mà còn gắn liền với sinh kế và văn hóa của 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số.
"Đừng tin vào những con số rằng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Cứ đến tận nơi, nhìn vào bữa cơm của họ sẽ thấy họ vẫn sống như vậy. Tôi hy vọng trong kỷ nguyên mới này, tư duy sẽ thật sự thay đổi", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo