Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết
Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều 1/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) ban hành Kế hoạch thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (từ 1/12/2015 đến 29/2/2016).
Yêu cầu đặt ra đối với đợt cao điểm là tập trung các lực lượng nghiệp vụ, chuyên trách tổ chức các đợt đấu tranh nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán; các mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, như vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, pháo nổ, tài liệu phản động; các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo là những mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.
Đồng thời, xác định và quy rõ trách nhiệm cho từng ngành, từng lực lượng và từng địa phương trong việc để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn, trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát.
Các lực lượng tăng cường biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, tuyến biên giới trên bộ, trên biển, tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Cụ thể, Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách nhập cảnh qua tuyến hàng không, cửa khẩu đường bộ, đường biển để phát hiện, ngăn chặn kịp thời vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, tài liệu phản động và các loại hàng hóa cấm khác... góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Trên tuyến biển, lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng và các cấp chính quyền địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát vùng biển hai khu vực trọng điểm: Vùng biển Đông Bắc và vùng biển Tây Nam.
Các mặt hàng trọng điểm mà các đối tượng thường vận chuyển trên biển trong dịp Tết là: Hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc lá điếu, rượu bia, xăng dầu... Tại các cảng biển, cảng sông quốc tế, lực lượng Hải quan chủ trì, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tăng cường đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào hàng cấm, hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô đã qua sử dụng, thuốc lá, bánh kẹo, thực phẩm...
Lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra, phát hiện các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng giả làm mất ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, thực phẩm tươi sống, thuốc lá, rượu, bia... Xác lập chuyên án đấu tranh, điều tra, triệt phá các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm từ khu vực biên giới đến các tụ điểm trong nội địa; tập trung phát hiện, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả để đưa ra truy tố, xét xử làm bài học răn đe cho các đối tượng khác.
Địa bàn trọng điểm cần tập trung gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp...
Các bộ, ngành trong chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý Nhà nước, công tác nghiệp vụ, tiến hành nắm tình hình trên các tuyến trọng điểm, xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, phối hợp với địa phương tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm lớn, có yếu tố nước ngoài; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế...
Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương và phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá