Thị trường

Cao su Việt vẫn mờ nhạt vị thế

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 về sản lượng và thứ 4 về xuất khẩu cao su thiên nhiên trên thế giới. Thế nhưng, vị thế của ngành cao su Việt Nam trên thị trường thế giới lại khá mờ nhạt.

Phát triển khập khiễng

Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản lượng cao su niên vụ 2010 - 2011 của Việt Nam đạt 811.600 tấn; sản lượng xuất khẩu đạt 816.600 tấn mang lại giá trị xuất khẩu đến 3,2 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 35,4% về trị giá so với năm 2010. Với kết quả này, xuất khẩu cao su vươn lên xếp vị trí thứ 2 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, sau gạo.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn quốc dự báo đã có khoảng 900.000 đến 1 triệu ha với sản lượng ước đạt 1,4 đến 1,6 triệu tấn. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam: “Dù là nước xuất khẩu nguyên liệu cao su đứng hạng thứ 4 trên thế giới nhưng đến nay chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu thô mủ cao su, chính vì vậy giá trị lợi nhuận mang lại chưa cao. Trong khi đó dù ngành công nghiệp chế biến cao su đã manh nha từ hơn một thập kỷ qua hiện vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể”.

Thêm vào đó, dù có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng các doanh nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp cao su trong nước lại thường xuyên đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, nguồn thu mua nguyên liệu không ổn định. “Điều này khiến cho không chỉ các doanh nghiệp chế biến sản phẩm công nghiệp cao su của Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng gặp khó khăn về nguồn cung” - bà Thúy Hoa cho biết.

Không chỉ gặp khó khăn để phát triển ngành công nghiệp chế biến, với đà tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng và diện tích, ngành cao su cũng đang phải đối mặt với tình trạng giá cao su liên tục giảm sâu. Ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhận định: “Giá cao su xuất khẩu hiện chỉ còn khoảng 3.300USD/tấn và dự báo giá sẽ giảm sâu xuống mức trên dưới 3.000USD/tấn trong thời gian tới”.

Chưa có chính sách ưu đãi

Theo ông Nguyễn Quốc Anh- Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TP.Hồ Chí Minh: “Tuy có lợi thế mạnh về nguồn nguyên liệu, song Việt Nam lại chưa có bất cứ sự đầu tư quyết liệt, mạnh mẽ nào để phát triển ngành công nghiệp cao su mà đơn giản hiện nay chỉ là… “trồng và cạo mủ xuất khẩu”.

“Thời gian tới, chúng ta nên tăng xuất khẩu cao su chính ngạch; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; thành lập Quỹ bình ổn giá cao su... hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam”.

Ông Võ Hoàng An


Cụ thể, ông Quốc Anh dẫn chứng: “Dù ngành chế biến cao su và công nghiệp phụ trợ được xác định là một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của TP.Hồ Chí Minh nhưng hiện nay TP.Hồ Chí Minh cũng chưa có chính sách gì để đẩy mạnh. Đó là chưa kể đến hiện nay Nhà nước cũng chưa có bất cứ chính sách ưu đãi nào về công nghệ, lãi suất… dành cho ngành công nghiệp cao su”.

Trong khi đó, theo ông Võ Hoàng An: “Để cải thiện vị thế ngành cao su Việt Nam thì trước hết phải chuyển đổi và quy hoạch lại diện tích trồng cây cao su theo khuynh hướng giảm dần diện tích trong nước và tăng diện tích trồng ở nước ngoài, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời cũng tập trung vào chiến lược đầu tư, phát triển vào lĩnh vực công nghiệp chế biến…”.

 

 

Trần Việt (Theo DV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo