Khám phá

Cậu bé không tay vượt lên số phận

(GD&TĐ) - Hàng ngày, bắt đầu từ công việc đánh răng, rửa mặt rồi đi học cho tới chuyện đi chăn bò, đạp xe hay giúp mẹ vo gạo, nấu cơm, rửa chén em đều làm bình thường. Thậm chí, em còn giành cả giải thưởng trong thi bơi lội của trường Trung học cơ sở Lê Thánh Tông nơi mình theo học nữa. Nếu với một ai đó, điều này là bình thường nhưng với em Hồ Hữu Hạnh, 12 tuổi ở ấp 2 xã Vân Canh (Định Quán, Đồng Nai) lại là cả một kỳ tích, một quá trình gian khổ tập luyện bởi

Nước mắt ngày thơ ấu

Trong gian nhà nhỏ, chị Bùi Thị Hợp, mẹ của Hạnh đang lúi cúi làm việc còn Hạnh mới đi học về cũng đang phụ giúp mẹ nấu ăn. Tâm sự về Hạnh, chị Hợp thở dài bảo: Lúc mang thai Hạnh, vợ chồng tôi cũng đã đưa cháu đi siêu âm và bác sỹ bảo, thai nhi không bình thường nhưng không nói chính xác là bị làm sao. Khi mới lọt lòng, tôi đã từng ngất lên ngất xuống vì thương con, vì đau đớn, vì buồn bã bởi nhìn thấy Hạnh chỉ có đôi chân, không có hai cánh tay như người ta. Những năm tháng đầu tiên, Hạnh cứ trườn bò như con sâu đo trong lúc di chuyển mà những người làm cha làm mẹ chỉ muốn rơi nước mắt vì không thể giúp gì cho con mình được. Dường như, khi nói đến đây, chị Hợp đã quá xúc động nên không cầm được dòng nước mắt dù chuyện cũ đã qua đi được mười hai năm rồi.

Nói về nguyên nhân khiến Hạnh bị mất hai cánh tay khi chào đời, chị Hợp thở dài, khi khám sức khỏe của anh Hồ Hữu Thân, cha Hạnh thì các bác sĩ mới ngỡ ngàng nhận ra, anh đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Đây là một sự cố ngoài ý muốn rất hi hữu của chồng mình. Năm đó, sau khi hai vợ chồng tôi vào vùng Định Quán này lập nghiệp được một thời gian, anh Thân có cùng với bạn đi phát nương rẫy trên rừng và thấy một chiếc thùng phi bằng sắt đựng hóa chất rất lớn. Tưởng chỉ là hóa chất bình thường nên anh cùng bạn đã mang nó vứt đi nơi khác để lấy chỗ làm việc tiếp. Nào ngờ, đó lại là tại nạn mà anh và bạn gặp phải bởi đó chính là thùng hóa chất mà quân đội Mỹ đã bỏ lại từ thời chiến tranh. Sau khi con mình bị không may như vậy, anh có tìm cách liên lạc với người bạn cũ và cũng bàng hoàng khi phát hiện ra, một người con của bạn anh cũng bị tật nguyền vì di chứng của cha.

Lấy nghị lực xây đắp tương lai


Có một điều không ai, ngay cả chị Hợp, anh Thân cũng không thể ngờ được rằng, cậu bé Hạnh của mình lại có một nghị lực sống mạnh mẽ và phi thường đến vậy. Bắt đầu từ khi chập chững biết đi, Hạnh đã bộc lộ những nghị lực hiếm thấy. Từ năm lên 5 tuổi, Hạnh đã tự đi lại, giúp cha mẹ chăn bò, đuổi gà, vịt trong vườn. Sau đó, em được cha mẹ đưa đến trường nhưng nhà trường từ chối nhận vì các thầy cô giáo cho rằng, em không có tay sẽ không học được như các bạn khác. Lúc đó, thầy cô giáo còn khuyên cha mẹ Hạnh nên đưa em đến trường khuyết tật. Tuy nhiên, ở giữa một vùng quê nghèo đất đỏ như vùng Định Quán này thì việc đến trường khuyết tật là hết sức khó khăn bởi phải tới trung tâm huyện, cách nhà em mấy chục cây số nên nằm ngoài khả năng của gia đình.

Thế nhưng, những trở ngại đầu tiên mau chóng qua đi bởi trong chỉ một thời gian ngắn ở nhà, Hạnh đã tự luyện tập viết chữ bằng chân để sau đó, các thầy cô giáo phải ngạc nhiên vì nghị lực và quyết định cho em đến trường như các bạn bè cùng trang lứa khác. Thế là, trong năm năm học ở trường tiểu học Kim Đồng, học lực của Hạnh không hề thua kém bất cứ bạn bè cùng lớp nào, thậm chí em còn hoàn thành, tham gia tất cả các trò chơi, cuộc thi như những học sinh bình thường khác. Thế nên, trong thời gian học tại trường, Hạnh luôn khiến bạn bè phải ngưỡng mộ, thán phục vì những gì mà em làm được.

Ước gì em có một bàn tay

Trò chuyện với Hạnh, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy em là một người rất tự tin, lễ phép với người lớn và lại tỏ ra ngoan ngoãn. Em bảo: Lúc còn nhỏ, nhìn bạn bè làm những việc khác, em rất buồn vì mình không có đôi tay để lao động, học tập nên đã đặt ra mục tiêu phải làm được. Cách đây mấy năm, có mấy cô chú ở trên thành phố Hồ Chí Minh biết chuyện đã tìm về nhà, tặng em một bộ máy vi tính và nhiều sách vở làm em rất cảm động. Hiện nay, ngoài việc học tập ở lớp như các bạn bè khác, em còn học thêm vi tính. Thú thực, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi nhìn em dùng chân khởi động máy, bấm những nút bàn phím nhỏ bé và mở những phần mềm khác nhau, như một người bình thường.

Tâm sự về tương lai và những dự định sau này, cậu bé Hạnh cười thật tươi bảo: Em mong sau này sẽ làm một hiệp sỹ tin học.

Theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Tứ ở trường Trung học cơ sở Lê Thánh Tông, nơi Hạnh theo học, em Hồ Hữu Hạnh, lớp 7A8 luôn đạt thành tích rất cao trong học tập và sinh hoạt tập thể của trường lớp. Cụ thể, học lực của em luôn ở loại giỏi, đạo đức tốt và hoạt động đoàn thể năng động. Có thể nói, trường hợp của em Hạnh là tấm gương cho nhiều học sinh khác phải noi theo về nghị lực, lòng kiên trì và khát vọng vươn lên trong cuộc sống trước bất cứ hoàn cảnh nào.

Minh Đức

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo