Cậu bé mồ côi học master ở Mỹ
Niềm tự hào của làng
Vũ Như Tiến cùng em gái, Vũ Thị Thương (sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) là niềm tự hào của mẹ Bảy, cái tên thân thương mà những trẻ mồ côi lớn lên từ nhà 12B trong làng S.O.S Đà Nẵng gọi cô Nguyễn Thị Bảy.
Tiến và Thương mồ côi cả cha lẫn mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của một số người bà con. Nhưng rồi, ở những năm 90 của thế kỷ trước, trong cái đói của người dân Điện Nam – Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, hai anh em đành phải xin vào làng S.O.S, chỉ với mong muốn được ăn và tiếp tục học.
Cô Nguyễn Thị Bảy nhớ lại: “Thật bất ngờ, mới vào làng được năm ngày, Tiến đã bỏ trốn, trở về Điện Nam không lời giải thích. Chúng tôi phải vào tận quê, nỉ non vận động, thuyết phục mãi em mới chịu quay về”.
Mẹ Bảy phải thầm cảm ơn chính mình bởi sự nhiệt tình vào tận quê lôi Tiến ra học, bởi sau đó, Tiến dường như lột xác hoàn toàn, chăm chỉ và sáng dạ.
Vào làng lúc sáu tuổi, học ngay lớp một và tiến một lèo lên tận THPT. Năm 2008, xong chương trình THPT, với thành tích xuất sắc, Tiến được quỹ S.O.S chọn là sinh viên duy nhất của làng sang Mỹ du học tại trường Luther College.
Bà Webber xem lại bức ảnh của Tiến ngày vào làng. Ảnh: Nam Cường. |
Ngày chúng tôi đến làng S.O.S cũng là dịp bà Amy Webber- cán bộ Ban quốc tế của Đại học Luther College từ Mỹ sang Việt Nam, với mục đích kiếm tìm những học sinh có thành tích học tập tốt của S.O.S Việt Nam.
Ngoài 135 trẻ mồ côi đang được nuôi dạy, làng S.O.S còn nuôi, đào tạo nghề cho 36 trẻ khó khăn ở nhà lưu xá thanh niên; nuôi 12 cháu ra trường bằng học phí cho trò nghèo; nuôi trẻ khó khăn ở cộng đồng là 355 cháu (300.000 đồng/cháu, vào đại học sẽ trợ cấp 900.000 đồng/cháu). Chương trình này ra đời sau cơn bão Chan Chu (2006) cướp nhiều sinh mạng ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng... |
Bà Amy Webber nói: “Tôi rất tò mò nên phải về tận làng S.O.S, đến tận quê Điện Nam của cậu Vũ Như Tiến cũng như gặp cho bằng được cô Nguyễn Thị Bảy, người mà Tiến hay kể khi ở Mỹ. Khi về đây, tôi nhận thấy những lời của Tiến quả không sai và tôi biết vì sao em lại có một nghị lực phi thường như vậy”.
Bà Webber kể, trong số 70 sinh viên quốc tế (có 14 sinh viên học bổng S.O.S) ở Đại học Luther College thì Tiến thuộc tốp những người xuất sắc nhất.
Giờ đây, cậu đã học xong chương trình đại học, được cấp bằng cử nhân công nghệ thông tin ở Luther College, đang làm việc cho một ngân hàng ở Iowa và sắp tới, em sẽ tiếp tục ở lại Mỹ 2 năm để hoàn thành khóa học master (cao học) về Công nghệ sinh học.
Bà Webber cười vui: “Tiến kể với tôi nhiều chuyện, về vẻ đẹp Việt Nam, về tình yêu thương của thầy cô ở làng, nhưng có hai chuyện em giấu. Đó là chuyện em đã trốn khỏi làng S.O.S khi mới vào đây năm ngày và ước mơ của em sau này. Em đang làm master, đang có công việc tốt ở một ngân hàng, nhưng tôi hiểu, trong suy nghĩ của Tiến, em chưa dừng lại ở đó”.
Lệch múi giờ giữa Mỹ với Việt Nam, nên chát với tôi vội vàng trên facebook, Tiến chỉ nói, rằng em chưa nghĩ đến một công việc ổn định thật sự ở Mỹ, dù mỗi giờ kiếm được 20 USD. Tiến nói em sẽ tiếp tục học xong master, nếu có điều kiện sẽ học lên nữa và sau đó trở về Việt Nam, trả nợ quê hương.
Không được xuất sắc sang Mỹ như anh trai, song em của Tiến, cô bé Vũ Thị Thương (1991) cũng là một trong 14 niềm tự hào trong lịch sử 20 năm của làng S.O.S Đà Nẵng. Sau 20 năm, với 343 lượt trẻ mồ côi được trung tâm nuôi dạy, chỉ có 14 em vào được đại học, mở cánh cửa tương lai bằng con đường học vấn.
Thương, đang học năm thứ 3 Đại học Sư phạm Đà Nẵng, kể: Em rất tự hào về anh trai mình, coi anh như tấm gương để phấn đấu. Thương nhớ lại, khi cả hai anh em mới sinh ra, ba bị bệnh qua đời, vài năm sau, cũng là một căn bệnh quái ác đã cướp đi vòng tay của mẹ. Hai anh em từ đó trở nên côi cút giữa đời.
Bà Amy Webber nhìn bức ảnh ngày mới vào làng của Vũ Như Tiến, rồi đem một bức ảnh mà, Tiến chụp chung với các bạn ở Đại học Luther College, nhận xét: “Trông tự tin hơn rất nhiều”.
Rồi bà chỉ vào người đứng trước Tiến, một cô gái Mỹ xinh đẹp: “Bạn gái của Tiến đấy”. Cô gái này cũng là một sinh viên xuất sắc của khoa công nghệ thông tinT, vì cảm mến nghị lực sống, tư duy sáng tạo và thái độ học tập, làm việc chăm chỉ của Tiến mà chuyển từ tình bạn sang tình yêu.
Theo bà Webber, dù Tiến đã hoàn thành xong khóa học bốn năm ở Luther College, nhưng bà vẫn quan tâm đặc biệt đến chàng sinh viên có đôi mắt sáng, tràn trề ý chí quyết tâm nên bà luôn theo dõi bước đi của cậu.
Làng S.O.S với những ngôi nhà như resort. Ảnh: Nam Cường. |
Thiên đường của trẻ mồ côi
Bước vào làng S.O.S Đà Nẵng, tôi như tách hẳn với phố xá đông đúc bên ngoài. 16 nhà trong làng, mỗi nhà là một lớp học, như những biệt thự trong các khu nghỉ mát hiện đại. Khung cảnh thanh bình và thơ mộng, khó mà nghĩ rằng, nơi đây dành cho những trẻ mồ côi cơ nhỡ.
Khi về đây tôi biết vì sao Tiến lại có một nghị lực phi thường như vậy Bà Amy Webber |
Cô bé Trần Thị Lý (16 tuổi) ở huyện Đông Giang, Quảng Nam mồ côi cha, vào làng từ lúc sáu tuổi. Giờ chỉ còn bà mẹ già ở miệt rừng núi Quảng Nam, thỉnh thoảng Lý về thăm mẹ. Lớn tuổi nhất trong nhà 12B nên Lý kiêm luôn cả việc trợ giúp mẹ Bảy nấu cơm, dọn dẹp.
Buổi trưa, món chính là cá ngừ, canh chua, Lý làm thoăn thoắt. “Em đang học lớp 10, thầy cô nhận xét em học khá. Nếu không vào đây, có lẽ bây giờ em vẫn là cô bé suốt ngày lên rừng làm rẫy, lăn lộn với nắng mưa để nuôi mẹ. Từ khi bố mất, mẹ đau yếu thường xuyên, không làm được việc gì cả” – Lý ngùi ngùi.
Cô Lê Thị Thu Hà – Phó GĐ làng S.O.S Đà Nẵng cho hay, hầu hết các em vào đây khi còn rất nhỏ nên không nhớ gì về quê hương bản quán hay người thân. Làng có hồ sơ chặt chẽ, làm công việc kết nối để một ngày nào đó, khi các em lớn khôn có thể quay về tìm nguồn gốc của mình.
Cậu bé Hồ Văn Hùng (12 tuổi), đen nhẻm, đôi mắt sáng là người dân tộc Cor (Trà Bồng- Quảng Ngãi), kể: Từ ngày em mất cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ tình thương của bà con trong bản. năm tuổi, may mắn được các cô chú đưa vào làng. Giờ đây, mẹ Bảy là người mẹ thứ hai của đời em.
Cô Lê Thị Thu Hà nói rằng, niềm vui lớn nhất của mình trong hơn 20 năm công tác tại làng là nhìn những phận đời mồ côi được làng S.O.S nuôi dạy trưởng thành. “Ngoài 14 em đậu đại học, 22 em đậu cao đẳng và 41 em học trung cấp, số còn lại được đào tạo nghề, có công việc làm, thu nhập ổn định. Các em ra đời đều được chúng tôi dõi theo bước chân. Tôi mừng vì phần lớn đều thành đạt, có em là kỹ sư, nhà báo, và rất hạnh phúc trong cuộc sống” – cô Hà nói.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nó là bậc thầy diệt muỗi, tiêu diệt 3.000 con muỗi mỗi năm, nhưng lại đang bị con người bắt số lượng lớn làm món ngon
Điểm lại những lần ‘thủy quái’ xuất hiện tại Việt Nam khiến dư luận sững sờ: Số 1 là loài gắn với tâm linh
CLIP: Đàn sư tử hợp sức săn voi rừng nhưng cái kết mới khiến người xem 'sốc'
Sự thật gây 'sốc' về chiều cao của Quan Vũ, Lã Bố, Triệu Vân, Mã Siêu: Hóa ra cả thế giới đã bị La Quán Trung lừa bấy lâu nay
Phát hiện ‘quái vật khổng lồ’ dưới đáy hồ, nụ cười quái dị gây ám ảnh, sự thật phía sau mới bất ngờ
CLIP: Đại bàng liều lĩnh xuống sông cướp mồi của cá sấu rồi nhận cái kết khó tin