Cây biến đổi gen “phủ sóng” đồng ruộng Việt Nam
Sắp “phủ sóng” đồng ruộng Việt Nam
Đầu tháng 11/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 2 giống ngô biến đổi gen mang đặc tính chống chịu thuốc trừ cỏ của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto). Như vậy, tổng cộng đã có 3 giống ngô biến đổi gen của 2 công ty trên được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã công nhận 4 giống ngô biến đổi gen của Syngenta và Dekalb đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, quá trình đưa giống cây trồng biến đổi gen đến đồng ruộng Việt Nam cơ bản đã hoàn tất.
Theo PGS-TS Phạm Văn Toản, nguyên Chánh văn phòng Chương trình Công nghệ sinh học quốc gia, chỉ cần 6 tháng nữa, các giống trên sẽ được Bộ NN&PTNT công nhận là giống cây trồng. Một khi đã được công nhận, các giống biến đổi gen sẽ được mua, bán tự do và trồng rộng rãi tại Việt Nam. Thời điểm này, một số công ty chỉ mới được phép trồng khảo nghiệm.
TS. Toản dự báo, trong năm nay, ít nhất sẽ có thêm 3 giống cây biến đổi gen nữa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và khoảng 10 giống được Bộ NN&PTNT chứng nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực ASEAN (sau Philippines) chấp nhận đưa giống cây biến đổi gen ra đồng ruộng, nâng tổng số nước chấp nhận trồng cây biến đổi gen trên toàn thế giới lên 35 nước. Việc mở cửa cho một số giống cây biến đổi gen như ngô, đậu tương… tại Việt Nam được các nhà khoa học ủng hộ. Bởi thực tế, Việt Nam đã và đang nhập khẩu hàng triệu tấn ngô, đậu tương mỗi năm để sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất dầu thực vật và cả chế biến thực phẩm.
Cụ thể, theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu trên 9 triệu tấn ngô, đậu tương, khô dầu đậu nành để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trị giá 3,5 tỷ USD. Năm 2014, dự kiến chi phí nhập khẩu sẽ tăng lên 4,5 tỷ USD. Trong vòng hơn một thập kỷ qua, giá đậu tương thế giới tăng gần 3 lần, trong khi sản lượng và năng suất đậu tương tại Việt Nam liên tục sụt giảm.
Trong khi đó, theo PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, 81% đậu tương trên thế giới là biến đổi gen, 19% còn lại là sản xuất tự cung tự cấp. Điều này có nghĩa, 100% đậu tương thương mại trên toàn cầu, chủ yếu nhập từ Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ, Canada... là đậu tương biến đổi gen.
Tương tự, ngô thương mại trên toàn cầu cũng là ngô biến đổi gen. Điều này có nghĩa, Việt Nam đã sử dụng ngô, đậu tương biến đổi gen từ hàng chục năm nay. Vì vậy, thay vì chi hàng tỷ USD để nhập khẩu, thì việc cho phép trồng cây biến đổi gen ngay trong nước để nâng cao năng suất, sản lượng, thu nhập cho người dân và giảm giá thành, giảm ngoại tệ nhập khẩu là cần thiết.
Trên thực tế, công nghệ biến đổi gen cũng là loại công nghệ có tốc độ được chấp nhận nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 1996, cả thế giới mới có 1 triệu héc-ta cây trồng biến đổi gen, thì đến nay, toàn thế giới đã có 175 triệu héc-ta cây biến đổi gen (tăng 175 lần trong 18 năm).
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi sản phẩm biến đổi gen được trồng đại trà tại Việt Nam, để “công bằng” và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần quy định ghi nhãn đối với sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Cho đến nay, dù chưa có những bằng chứng khoa học, song nhiều nhà khoa học vẫn lo ngại thực phẩm biến đổi gen có thể tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người.
Tập đoàn đa quốc gia được hưởng lợi
Chưa biết lợi ích của nông dân khi cây trồng biến đổi gen được “phổ cập” sẽ như thế nào, song điều chắc chắn là, khi Việt Nam chấp thuận cây trồng biến đổi gen, nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Theo các chuyên gia cây trồng, giống cây biến đổi gen mang tính vô sinh (không thể để lại giống cho vụ sau) và mang tính độc quyền, bị phụ thuộc vào các tập đoàn lớn. Chưa kể, theo chuyên gia nông nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân, giá hạt giống biến đổi gen ở nhiều nước đều cao gấp đôi so với hạt giống thông thường. Ngoài ra, khi trồng cây biến đổi gen, người dân cũng phải mua thuốc diệt cỏ riêng dành cho các loại cây này do các tập đoàn cung cấp.
Ông J.V.Ratnam, Tổng giám đốc Công ty Bioseed (Ấn Độ), doanh nghiệp đang muốn đưa các giống ngô biến đổi gen vào Việt Nam thừa nhận, ngô biến đổi gen có thể mang lại năng suất, hiệu quả tăng 15-20% so với ngô thông thường, song giá giống cũng cao hơn khoảng 20%.
Được biết, trên thế giới, chỉ có 11 tập đoàn, công ty lớn về cây trồng biến đổi gen với tổng số 329 giống cây. Trong đó, riêng Monsanto và Syngenta đã chiếm gần một nửa. Con số này còn nhiều hơn nếu tính cả các công ty mà hai tập đoàn này liên doanh, liên kết. Tại Việt Nam, Monsanto và Syngenta cũng có mặt từ rất sớm.
Cụ thể, Tập đoàn Syngenta có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 90, cung cấp các loại hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và các giải pháp trong nông nghiệp. Với nhà máy thuốc bảo vệ thực vật tại Biên Hòa, 2 trung tâm nghiên cứu tại Tiền Giang và Nam Định, Syngenta đang là một trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Monsanto cũng có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 dưới hình thức văn phòng đại diện của Công ty Monsanto Thái Lan. Đến tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, lấy tên là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Dekalb Việt Nam cho rằng, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 1,7 đến 2 triệu tấn ngô hạt để phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và dự kiến nhu cầu này ngày càng gia tăng. Việc nhanh chóng ứng dụng cây ngô chuyển gen sẽ góp phần tăng sản lượng ngô trong nước, để bù đắp lại nhu cầu thiếu hụt này.
Trong khi đó, bà Lê Thị Khánh Hòa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Syngenta Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi mong muốn sớm hoàn thành các quy trình thủ tục pháp lý để giống chuyển gen có thể được cung cấp tới nông dân và dự kiến cuối năm 2015, một số giống ngô biến đổi gen của chúng tôi sẽ được cung cấp tới nông dân”.
Đại diện Syngenta khẳng định, sau khi có đầy đủ các giấy chứng nhận về an toàn sinh học, an toàn làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, Công ty sẽ tiến hành khảo nghiệm đăng ký giống chuyển gen vào danh mục giống.
Dù đến năm 2015, giống ngô biến đổi gen mới được bán rộng rãi, song Syngenta và Monsanto đã “chào hàng” sản phẩm tới nông dân nhiều địa phương. Việc hai tập đoàn này sẽ nắm hầu hết thị phần giống ngô biến đổi gen tại Việt Nam là tương lai được dự báo trước. Trên thế giới, Syngenta là tập đoàn hàng đầu về các giống ngô biến đổi gen (54 giống), tiếp theo là Monsanto (27 giống).
Việc “tự túc” sản xuất các loại giống cây biến đổi gen trong nước là rất khó, bởi thiếu cả kinh phí, trang thiết bị lẫn nhân lực. Theo PGS-TS. Lê Huy Hàm, chi phí cho nghiên cứu, phát triển và đăng ký cấp phép một loại cây trồng biến đổi gen mang một tính trạng rất lớn, tổng cộng là 136 triệu USD, thời gian từ 12-16 năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo