Chàng trai đầu tiên mang “vàng” về Tây Bắc
Cấp 1 đã “ngốn” cuốn sách 500 trang
Lúc gặp chúng tôi, cô Trần La Giang (mẹ của Phi Long) không giấu nổi niềm vui, tự hào về cậu con trai và cũng là học trò của mình: “Dù biết Long chăm học, có tố chất để học tốt môn Vật Lý, nhưng quả thực lúc nhận được tin Long đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á và nhất là Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế, cả gia đình rất bất ngờ và vui khôn xiết”.
Giỏi Vật lý, siêu tiếng Anh
Ngày 3/1/2013, cô Trần La Giang điện thoại cho PV GĐ&XH thông báo, Ngô Phi Long đã giành tiếp Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý Thế giới được tổ chức tại Indonesia (từ 28/12/2012 đến 3/1/2013). Theo cô Giang, cuộc thi này rất khó, hơn nữa đòi hỏi thí sinh phải trình bày, diễn giải bài thi bằng tiếng Anh, do vậy đây là thành tích bất ngờ của Long.
Gần một tuần sau sự kiện đó, gia đình lúc nào cũng rôm rả trò chuyện về Long. Thầy cô, bạn bè Long, và người thân cứ tới tấp gọi điện chúc mừng. Gia đình cô Giang rất hạnh phúc, vậy là mọi quyết tâm, chăm chỉ rèn luyện của Long đã mang về kết quả mỹ mãn. Niềm đam mê Vật lý của Long đã nhen nhóm ngay từ nhỏ khi cậu bé còn chưa biết đọc, biết viết. Hồi đó, cậu bé Long thường nấp sau cánh cửa, nhìn bố mẹ chỉ dạy các anh chị học bài. Long đến với môn Vật lý cũng một phần thừa hưởng gen từ bố mẹ, bởi cả hai đều là giáo viên dạy môn này.
Phi Long luôn tìm hiểu, khám phá những hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Cậu bé Phi Long luôn thích tìm hiểu nguyên lý hoạt động của những đồ vật trong nhà như đồng hồ, máy tính…Những cuốn sách Vật lý đã đưa Long vào thế giới diệu kỳ của các hiện tượng trong cuộc sống. Ngay từ hồi cấp 1, Long đã “ngấu nghiến” cuốn Vật lý đại chúng dày hơn 500 trang, hay cuốn Chuyện kể về những nhà Vật lý thế giới... Long cũng rất tinh nghịch, có lần đã lấy trộm kính lúp của mẹ, soi khắp nơi, rồi hứng ánh sáng Mặt trời cho giấy cháy đen…
Học chuyên Toán, đoạt giải Vật lý
Học xong cấp 2, Long thi đậu vào cả trường Chuyên THPT Sơn La và THPT Chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhưng Long chọn ở lại Sơn La. Học chuyên Toán nhưng cậu vẫn dành nhiều thời gian cho môn Vật lý yêu thích. Lên lớp 11, đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, Long đã giành giải Nhất và được chọn vào đội tuyển tham dự Olympic Vật lý châu Á năm 2012 tại Ấn Độ (tháng 5/2012). Ngay trong lần đầu thi quốc tế này Long đã đoạt chiếc Huy chương Bạc. Sau đó 2 tháng, Long lại gây bất ngờ với chiếc Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Cộng hòa Estonia.
Nói về thành công của mình, Phi Long khiêm tốn: “ Phương pháp học của em cũng không có gì là đặc biệt, ở trên lớp chú ý nghe giảng, nắm vững kiến thức cơ bản, khi về nhà tiếp tục ôn lại cho kỹ hơn. Sắp xếp thời gian giải các bài tập nâng cao và các bộ đề thi học sinh giỏi để làm được nhiều dạng đề thi”.
Long cho biết, trước mắt, em sẽ cố gắng tập trung vào học tập, để có thể tham gia cùng đội tuyển quốc gia trong năm tới. Học xong THPT, Long sẽ tiếp tục theo đuổi môn Vật lý và khối khoa học tự nhiên ở bậc đại học. Long cũng đang trau dồi tiếng Anh để có thể du học, nếu không được, em sẽ lựa chọn học đại học ở Việt Nam. “Dù học ở nước ngoài hay trong nước em sẽ quyết tâm học tốt, góp phần xây dựng quê hương đất nước” - Long chia sẻ.
Năm 2012, một năm đặc biệt đối với gia đình “chàng trai vàng” Ngô Phi Long. Thành công của Phi Long đã chứng minh ở vùng Tây Bắc khó khăn ấy vẫn có những cá nhân biết vượt qua khó khăn, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Chỉ có niềm say mê học tập, quyết tâm cống hiến và ước mơ chinh phục đỉnh cao mới đem lại thành công cho Long, mở ra trang sách mới cho vùng đất học Tây Bắc.
Thanh Vân ( Theo giadinh.net )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Bị hơn 40 con cá sấu vây quanh dưới nước, sư tử có cái kết không ai dám tin
CLIP: Rồng Komodo hạ gục trâu chỉ với một cú cắn chí mạng
Kỳ lạ Bộ tộc đã sống dưới nước hơn 15.000 năm, phổi và lá lách to hơn người bình thường
Cung điện 'siêu to khổng lồ' của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng có gì mà khiến thích khách khiếp vía?
CLIP: Bị đàn sư tử truy sát, trâu rừng mẹ nổi điên húc văng sư tử nhưng cái kết lại khiến người xem rơi nước mắt
Bí mật về mức điện áp 110V, vì sao Việt Nam sử dụng 220V còn Mỹ và Nhật vẫn kiên quyết dùng 110V?