Chuyên gia Phạm Chi Lan: Chính phủ điện tử ở Việt Nam còn nhiều vấn đề
DNVN - Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chuyển đổi số cần khởi đầu từ Chính phủ, từ đó mới có sức lan tỏa ra xã hội, dẫn dắt xã hội cùng đi và phát triển theo. Nếu Chính phủ không đi tiên phong, đến lúc phát động để cả xã hội và doanh nghiệp làm sẽ rất lúng túng.
Khánh thành hệ thống Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử ngành Thuế / Từ 1/11, thống nhất mã QR trên các app chống dịch COVID-19
Bài học từ Hàn Quốc rất đáng lưu tâm
Tại hội thảo trực tuyến công bố Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” diễn ra ngày 13/12, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, một trong những mục tiêu cụ thể của nghiên cứu là đánh giá kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng khung pháp lý cho chuyển đổi số (CĐS) trong thương mại.
Theo đó, ông Dương đã nhắc đến kinh nghiệm CĐS của Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Thụy Sỹ và Singapore, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh tới Hàn Quốc. Quốc gia này đã vận hành 2 hệ thống uTradeHub và UNI-PASS tích hợp các khâu logistics, tài chính, marketing, hải quan, thông quan điện tử... miễn phí nhằm đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa.
Năm 2019, Hàn Quốc ban hành kế hoạch xây dựng hạ tầng thương mại số, đặt mục tiêu tới năm 2021 hoàn thành số hóa toàn bộ hạ tầng thương mại.
Đặc biệt, Hàn Quốc có chính sách thúc đẩy số hóa trong DN nhỏ và vừa; thực hiện chiến lược toàn án điện tử; phát triển nguồn nhân lực cho CĐS và bảo mật dữ liệu.
Dưới góc nhìn của chuyên gia Phạm Chi Lan, chuyển đổi số (CĐS) rất quan trọng đối với số phận nền kinh tế đất nước, với doanh nghiệp (DN) và người dân Việt Nam trong tương lai phát triển hiện nay.
Do đó, bà cho biết "rất lo ngại nếu Việt Nam không biết cách CĐS thì rất có thể sẽ bị "lỡ nhịp" trong phát triển lần này cũng như đối với các kênh hội nhập quốc tế mà Việt Nam đang tham gia".
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, bài học CĐS của Hàn Quốc rất đáng lưu tâm.
Với báo cáo của CIEM, chuyên gia này đánh giá bài học của Hàn Quốc vô cùng thú vị. Báo cáo đã nêu rõ 4 giai đoạn phát triển của Hàn Quốc về CĐS, từ lúc chuẩn bị bắt đầu vào năm 1989 - khi Hàn Quốc đã trở thành nước thu nhập cao. 4 năm đầu từ 1989 đến 1993 là giai đoạn khởi đầu. Trong khi đó, giai đoạn phát triển kéo dài 6 năm từ năm 1994 - 2000. Tiếp đến là giai đoạn cất cánh từ 2001 đến 2007 và giai đoạn nâng cấp từ 2008 đến nay.
"Như vậy, Hàn Quốc đã trải qua giai đoạn khá dài và nếu so sánh với Việt Nam, thì Hàn Quốc đi trước mình khá lâu về quá trình chuyển đổi số. Quá trình phát triển CĐS của Hàn Quốc có trình tự nhất định và mỗi giai đoạn có tính toán chiến lược khá rõ ràng cũng như hệ thống thể chế, chính sách được đưa ra kịp thời tương ứng với từng giai đoạn. Qua đó giúp quốc gia này đi vững chắc trong CĐS và trở thành một trong những nền kinh tế rất tiên tiến hiện nay trên thế giới về CĐS cũng như phát triển một số ngành công nghệ cao và đứng vào loại hàng đầu thế giới...", nữ chuyên gia nhìn nhận.
Ngoài ra, trong bài học của Hàn Quốc, bà Phạm Chi Lan cũng cho biết cảm thấy tâm đắc với việc họ quan tâm đến sự phát triển hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia CĐS.
Theo phân tích của chuyên gia, các chương trình mới được bắt đầu từ năm 2010, tức là sau khi Hàn Quốc hoàn thành xong giai đoạn phát triển CĐS chung và cất cánh rồi thì họ mới tính đến việc đưa ra những kế hoạch cụ thể để khuyến khích xuất khẩu của DN nhỏ và vừa.
Đây là bước tiến hợp lý của Hàn Quốc bởi vì CĐS đòi hỏi công nghệ và kỹ năng cao, đòi hỏi chất xám cao nên ban đầu không thể bắt ngay từ DN nhỏ và vừa một cách đông đảo được. Do đó, Hàn Quốc chọn lựa tập trung vào những đối tượng có khả năng nhiều nhất thực hiện trước. Sau khi những đối tượng tiên phong làm được rồi mới bắt tay phổ biến đại trà để hỗ trợ cho đông đảo DN nhỏ và vừa.
"Tôi nghĩ đây là bài học Việt Nam nên rút kinh nghiệm. Việc tất cả cùng bắt tay làm ngay từ đầu có lẽ khó thành công. Khi Hàn Quốc có chính sách cho DN nhỏ và vừa, họ cũng hoạch định chính sách khá cụ thể. Họ xác định cái gì là cần thiết, công cụ gì thực sự hữu hiệu để giúp DN nhỏ và vừa có thể làm được", bà Phạm Chi Lan đánh giá.
Ngoài ra, theo chuyên gia, quá trình CĐS của Hàn Quốc khá đồng bộ. Chẳng hạn, họ quan tâm đến CĐS trong lĩnh vực tòa án, xử lý tranh chấp - những vấn đề rất thiết thực trong hoạt động thương mại và ngoại thương.
"Bài học của Hàn Quốc hết sức đáng quan tâm. Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ những bước đi hợp lý của họ để có thể chuẩn bị cho những bước khởi đầu hiện nay", chuyên gia khuyến nghị.
Chính phủ cần đi tiên phong
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, bài học chung từ tất cả 5 nước (trong đó có Hàn Quốc) được đưa ra là CĐS cần khởi đầu từ Chính phủ, bắt đầu từ Chính phủ. Thụy Sỹ, Trung Quốc, EU, hay Singapore cũng đều làm trước từ Chính phủ, từ đó mới mở rộng ra xã hội và các lĩnh vực thương mại khác.
"Quả thật nếu Chính phủ không đi tiên phong, nếu Chính phủ không có một hệ thống làm việc số trước, đến lúc phát động để cả xã hội và DN làm sẽ rất lúng túng. Lý do là Chính phủ không tương ứng được. Thể chế, chính sách Chính phủ đưa ra cũng như tổ chức triển khai thực hiện cũng rất khó có thể làm được tốt nếu như không có hệ thống đồng bộ. Trước hết, Chính phủ cần đi theo các kênh điện tử, từ đó mới có sức lan tỏa ra xã hội, dẫn dắt xã hội cùng đi và phát triển", bà Phạm Chi Lan nêu.
Với phân tích này, chuyên gia cho rằng đây là bài học Việt Nam rất cần lưu ý. Thực tế, Việt Nam nói đến Chính phủ điện tử từ lâu. Năm 2012, Việt Nam đã ký kết tham gia Chính phủ điện tử trong ASEAN. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, tiến trình còn khá chậm chạp.
"Những gì đã xảy ra trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 cho thấy rất rõ việc sử dụng Chính phủ điện tử ở Việt Nam còn nhiều vấn đề. Ngay cả đến 1 cái app để Chính phủ theo dõi tiêm chủng của người dân cũng có tới 20 cái app khác nhau, gây rối cho người dân. Và đến bây giờ, tất cả những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ qua Nghị định 128 về phòng, chống dịch theo cách thích ứng an toàn và linh hoạt cũng vẫn còn được các nơi hiểu khác nhau và thực hiện khác nhau.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc Chính phủ cần phải có một Chính phủ điện tử có hiệu quả, hiệu lực để có thể áp dụng ra toàn xã hội. Bởi rõ ràng Chính phủ là người dẫn dắt trong cuộc chơi phát triển trong nhiều bối cảnh khác nhau chứ không phải là sự việc đột xuất như COVID-19. Đại dịch đã chứng minh rất rõ tầm quan trọng và cách chúng ta làm chưa hợp lý dù đã có 10 năm cam kết thực hiện Chính phủ điện tử", chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo