Số hóa dịch vụ y tế để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất
Tư vấn và khám chữa bệnh từ xa sẽ được bảo hiểm y tế chi trả / Lập tổng đài tự động đa ngôn ngữ hỗ trợ người nước ngoài tiếp cận dịch vụ y tế
Ngành Y tế tiên phong trong quá trình chuyển đổi số
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Việt Nam đã tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng rất sớm và năng động. Chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép” vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, đẩy mạnh và phát triển kinh tế. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao cách tiếp cận, cách làm cũng như sự chủ động của Việt Nam. Cũng tại đây, Thủ tướng đã công bố việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED) dự kiến đặt tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực y tế, tăng cường khả năng điều phối quốc gia và khu vực, ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, bối cảnh hiện nay là cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Bởi đó chính là giải pháp quan trọng để hạn chế tiếp xúc người với người trong nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi năm, có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, sau khi Trung tâm khởi nghiệp quốc gia được thành lập, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta sẽ sớm đi đầu và thành công trong chuyển đổi số. Ở đây có dư địa tăng trưởng lớn vì chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, các nhà công nghệ giỏi cũng như sự tham gia, cổ vũ của cộng đồng quốc tế.
Đánh giá về vai trò của chuyển đổi số ngành y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là xây dựng một hệ thống dịch vụ công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, hiệu quả, công khai và có trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước với sự giám sát của người dân, doanh nghiệp. Chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, về đất đai, những cơ sở dữ liệu quốc gia khác và quy định pháp luật đang dần hoàn thiện. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, đó là khai trương và vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ thống E-cabinet, Cổng Dịch vụ công quốc gia…Đây là những sản phẩm rất quan trọng, có sự đóng góp của các bộ ngành, địa phương trong đó có ngành y tế.
Bộ Y tế là Bộ tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Trong thời kỳ chuyển đổi số, khi đại dịch tác động tiêu cực đến tất cả các nước, các nền kinh tế, ngành y tế đã nắm bắt được thời cơ và ứng dụng CNTT, kết nối, số hóa các dịch vụ đặc biệt là khám chữa bệnh từ xa tới 1.500 cơ sở y tế. Người dân cả nước có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua thiết bị điện tử thông minh.
Bộ Y tế đang đẩy mạnh sử dụng bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở khám, chữa bệnh và việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh trên nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Như vây, ngay tại cơ sở y tế, người bệnh không phải mang sổ khám chữa bệnh như trước đây, được thanh toán chế độ bảo hiểm dễ dàng.
Trong việc thực hiện dịch vụ công, Bộ Y tế đã đưa lên Cổng dịch vụ công của Bộ 100% dịch vụ công cấp độ 3,4, đã kết nối lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 100 dịch vụ công. Đến ngày 15/11/2020 có 1.479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ Y tế đã cùng với VPCP tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện với người dùng trước khi kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
“Bộ Y tế đã công khai tất cả vấn đề liên quan giá thiết bị và tới đây, Bộ Y tế sẽ công khai toàn bộ giá dịch vụ và kêu gọi xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Tôi tin tưởng rằng, ngành y tế sẽ thực hiện được những nhiệm vụ Thủ tướng giao đó là phải tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói
Bộ trưởng cũng kỳ vọng, toàn bộ nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ Y tế về thể chế, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, ngành Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng. Tất cả những dịch vụ mà người dân đang mong đợi rất nhiều ở ngành y tế cần công khai, minh bạch; tạo ra dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân để giảm đi lại và chi phí.
VPCP đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Y tế, tái cấu trúc các quy trình theo hướng cải cách, cắt bỏ thủ tục rườm rà; phối hợp với cơ quan bảo hiểm, các nhà công nghệ, cơ quan thanh toán, quản lý nhà nước để làm sao toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đều được kết nối ngang, kết nối dọc trên cơ sở nền tảng dùng chung, trên cơ sở các dữ liệu sẵn có…
Điểm sáng trong chuyển đổi số ngành Y tế
Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xã giúp người dân tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải.
Từ tháng 4/2020, giữa lúc cả nước đang giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển giải pháp công nghệ phù hợp. Chỉ sau đúng 1 tuần, hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đầu tiên đã hoàn thành và chỉ 2 tháng sau khi đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 với thông điệp chủ đạo là “Chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Sau hơn 2 tháng triển khai, đề án đạt mốc 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia. Ngoài ra, có hai bệnh viện Lào và một bệnh viện của Cam-pu-chia tham gia làm bệnh viện tuyến dưới.
Đến nay khám chữa bệnh từ xa đã trở thành hoạt động thường quy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi mỗi tuần, bệnh viện đều tổ chức một đến hai buổi kết nối khám chữa bệnh từ xa với gần 60 bệnh viện vệ tinh. Tổng cộng có gần 300 ca bệnh khó được cứu sống, xử lý kịp thời.
“Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thay đổi cách thức hoạt động để xây dựng y tế thông minh
Tại hội nghị Chính phủ điện tử diễn ra hồi tháng 9/2020 tại TP.HCM, bàn về thực trạng mức độ hài lòng của người bệnh với dịch vụ công ngành y tế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế)cho biết: “Đã có 41,7 triệu phiếu khảo sát trực tuyến dành cho bệnh nhân nội trú được tiến hành. Khảo sát dịch vụ công trong ngành y tế trên bệnh nhân đã ra viện cho thấy tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân chỉ có 79%, như vậy nghĩa là còn 21% cần được chăm sóc nhiều hơn”.
“Xây dựng phác đồ điều trị, xét nghiệm, AMR, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị (trên 7.000 hướng dẫn chuyên môn). Nhiều kỹ thuật cao đã làm được tại các bệnh viện như: ghép tim, gan, mổ rô-bốt… Chuyển đổi số mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng phục vụ, từ chính sách quản lý, thu viện phí, đến chăm sóc, điều trị bệnh nhân…”, BS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Theo ông Khổng Văn Đông, Trưởng đơn vị kinh doanh Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, mục đích của chuyển đổi số là hướng tới phục vụ con người. Phải lấy bệnh nhân làm trung tâm, các giải pháp đều xoay quanh chăm sóc điều trị người bệnh. Chưa bao giờ dữ liệu lại quan trọng như thế đối với ngành y tế. Người Việt mình đang gặp những bệnh gì? Ở độ tuổi nào? Phương pháp điều trị nên thế nào? Phải từng bước thực hiện việc bảo vệ dữ liệu đó, tiến tới kết nối, sử dụng để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Tiếp đó, số hóa giúp ngành y dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh nhân, lịch sử mắc bệnh để nhanh chóng có biện pháp điều trị tốt nhất. Có công cụ sẽ tầm soát được nhiều bệnh nguy hiểm, đỡ biến chứng, giảm nguy cơ tử vong, hỗ trợ chẩn đoán. Các máy móc hiện đại nhất trong điều trị bệnh đều lưu trữ dữ liệu về bệnh nhân, đây là IoT (Internet vạn vật). Còn blockchain sẽ giải quyết được vấn đề về minh bạch dữ liệu, đảm bảo hồ sơ bệnh án là chính xác, không bị sửa lại.
Ông Lý Đức Đoàn - Giám đốc FPT Digital Healthcare Center cho rằng, chuyển đổi số có 2 khía cạnh: một là số hóa, hai là dịch chuyển – thay đổi tư duy, thay đổi cách thức hoạt động để xây dựng y tế thông minh. Khai thác kho dữ liệu ngành y có thể hỗ trợ gửi cảnh báo dịch bệnh đến người dân, cảnh báo các phòng khám không an toàn, khám chữa bệnh từ xa hoặc khám chữa bệnh tại các trạm y tế cơ sở tại xã, phường, quận huyện nhưng bác sĩ có kết nối với tuyến trên, sử dụng dữ liệu trên nền tảng số để khám, chữa bệnh. Sử dụng thế mạnh CNTT vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa đỡ thời gian chờ đợi cho người bệnh, đồng thời đảm bảo giãn cách xã hội trong thời gian đối mặt với dịch bệnh.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề để phục vụ nhân dân.End of content
Không có tin nào tiếp theo