Chính sách

Chuyên gia Trần Đình Thiên: Vì sao vừa qua doanh nghiệp đóng cửa nhiều đến vậy?

DNVN - Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, giữa thế giới bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô là một thành công. Tuy nhiên cần đánh giá lại để phát hiện ra những vấn đề của nền kinh tế, làm rõ vì sao doanh nghiệp vừa qua rời bỏ, đóng cửa nhiều đến vậy?

Đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất / Chú trọng hoàn thiện thể chế đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, TS Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng được ghi nhận và thể hiện thông qua cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức của Đại hội cũng như các Nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

Năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp giai đoạn 2020 - 2025. Đây là dịp nhằm đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Đại hội Đảng các cấp.

Đồng thời, bổ sung, xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Toàn cảnhDiễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, ở nửa đầu nhiệm kỳ này, việc lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 nghị quyết và 54 kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển phát triển kinh tế...

“Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Lâm nói.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kinh tế Việt Nam đánh giá, giữa thế giới bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đó là một thành công.

Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng kinh tế Việt Nam chưa bao giờ khó như hiện nay.

"Cần đánh giá lại để phát hiện ra những vấn đề của nền kinh tế. Kinh tế sáng nhưng sáng ra sao? Vì sao doanh nghiệp vừa qua rời bỏ, đóng cửa nhiều đến vậy?", ông Thiên đặt câu hỏi.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Về cải cách thể chế, theo ông Thiên, Việt Nam có nhiều thay đổi, đặc biệt trong 3 năm qua trong bối cảnh rất bất thường của kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

Ông Thiên đề xuất, việc cải cách về thể chế, chính sách cần căn cơ hơn. Vừa qua, trong câu chuyện về đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân hay hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết và đạt kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc chưa làm được trong hoạt động cải cách thể chế.

“Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để định hình chiến lược, tìm giải pháp hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ sau và nhiệm kỳ tới”, ông Thiên nhấn mạnh.

Nhắc đến việc ông Jensen Huang - CEO của Tập đoàn Nvidia vừa đến Hà Nội, ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, sự kiện này đánh dấu định hướng ngoại giao kinh tế của Việt Nam chuyển sang chất lượng cao hơn, như hợp tác làm chip bán dẫn.

Tuy nhiên, còn nhiều thách thức đặt ra do Việt Nam phải chịu ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, các lĩnh vực như việc làm, dệt may bị ảnh hưởng nhiều khi số lượng người mất việc lớn, khiến đời sống người lao động khó khăn.

"Xuất khẩu ra thị trường thế giới vẫn là định hướng nên giữ, nhưng rõ ràng cần chiến lược để thúc đẩy khai thác thị trường nội địa bởi đây là thị trường rất quan trọng. Cần cân đối lại định hướng xuất khẩu", ông Dũng đề xuất.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm