Thể chế hóa nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và mang tính quyết định
Diễn đàn Mekong Startup: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo / Kinh tế ảm đạm phủ bóng Diễn đàn Davos 2023
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", chiều 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong thời gian qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng nêu rõ, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển. Trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số.
Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức của thời đại số.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề nghị, bám sát các yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cần thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh… có tác động lan toả, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng; áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Sau diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta”, Thủ tướng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo