Không cải cách thể chế triệt để sẽ khó tạo sức bật cho doanh nghiệp
DNVN - Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau hơn năm đối mặt với đại dịch COVID-19 nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của chính các DN thì Nhà nước cần thực hiện cải cách triệt để, qua đó tạo sức bật cho DN vươn lên.
Khó khăn về vốn, doanh nghiệp rơi vào thế chông chênh / Kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tới hết năm 2023
DN vẫn bị tổn thương nghiêm trọng
Tại diễn đàn "Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng"" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp (DN) tổ chức chiều 17/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, trong 2 năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi một cách hết sức có hiệu quả. Các DN Việt Nam đã tồn tại, củng cố, phát triển trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn mạnh khác còn gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều DN gặp khó khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng. Cùng với đó, thị trường chứng khoán với những diễn biến bất thường, chưa ổn định. DN trong lĩnh vực dệt may và một số ngành hàng khác chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, dù kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhưng DN vẫn gặp khó.
Cũng đề cập đến khó khăn của cộng đồng DN, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, DN Việt Nam đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân một tháng có 18,1 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 DN gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 DN tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực DN vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Cần cải cách thể chế triệt để
Ở góc độ chuyên gia, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2023 trong khi bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách.
"Mặc dù trong thời gian qua Nhà nước đã có chủ trương và luôn nhấn mạnh mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới. Dù vậy, nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để và căn cơ sẽ khó để tạo ra sức bật cho DN, cũng như thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương. Còn bản thân các DN cần sự chủ động vượt khó vươn lên", Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách thể chế triệt để.
Cũng theo TS Trần Thị Hồng Minh, Chính phủ đã ban hành cơ sở ban đầu để thực thi các mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Đây là điểm quan trọng để tạo ra cơ chế về thể chế, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và các DN có cơ chế để thực thi. Nhưng để đưa vào thực tế vẫn sẽ còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ DN.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, trong quá trình phục hồi cần xem xét lại vai trò của Nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển.
Phải có cơ chế để người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Phải hoàn thiện nhiều chính sách, trong đó chính sách cạnh tranh là chính sách quan trọng để nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh mới.
Cần có nghị quyết riêng về phát triển DN
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng kiến nghị có nghị quyết riêng về phát triển DN.
Trong khi đó, đưa ra giải pháp giúp DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ.
Mục tiêu của VCCI mong muốn là DN tư nhân đăng ký chính thức theo Luật DN đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, và tỷ lệ này tăng lên 20% vào năm 2030. Đến năm 2025, có ít nhất 20% số DN sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn. VCCI cũng đề nghị các DN nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của DN tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hồng Long kỳ vọng, các DN Việt Nam có thể bật lên để chống chọi trước những "sóng gió" từ bên trong và bên ngoài hiện nay. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp thu các ý kiến phản ánh từ các hiệp hội và cộng đồng DN, báo cáo lại để từ đó đưa ra chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hỗ trợ tốt nhất cho các DN.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận cho TOP 15 DN niêm yết có năng lực quản trị tài chính tốt năm 2022, trong chương trình Đánh giá năng lực DN hàng năm 2022. Theo khảo sát, đánh giá của chương trình Chương trình Đánh giá năng lực DN năm 2022, dù 2 năm đối mặt với đại dịch nhưng vẫn có nhiều DN vượt khó vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Khả năng chống chịu của DN trước những khó khăn do thiên tai gây ra cũng là động lực để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo