Chính sách

Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí

DNVN - Thảo luận tổ về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi ngày 22/11, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách ưu đãi thuế đặc biệt để các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số và tự chủ tài chính.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá / Đề nghị bổ sung mặt hàng mía vào danh mục hàng hoá mua bán qua cửa khẩu phụ

Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tư tưởng chính trị và đấu tranh với thông tin sai lệch. Ông đề xuất áp dụng mức thuế TNDN đồng nhất 10% cho cả báo in và báo điện tử, thay vì phân biệt như hiện nay (báo in 10%, các hình thức khác 15%).

“Các cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam là công cụ quan trọng trong tuyên truyền chính sách, pháp luật. Trong thời bình, báo chí còn góp phần chống lại thông tin phản động, tiêu cực, cũng như thúc đẩy phòng, chống tham nhũng”, ông Ngân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông đề nghị miễn hoặc áp dụng mức thuế thấp nhất trong giai đoạn 5 năm đầu để giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo và phát hành báo in đang suy giảm mạnh.


Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị miễn hoặc áp dụng mức thuế thấp nhất trong giai đoạn 5 năm đầu nhằm giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn.

Tương tự, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, ưu đãi thuế nên áp dụng toàn diện cho ngành báo chí, không chỉ giới hạn ở báo in. Bà dẫn chứng thực tế tại TP Hồ Chí Minh, nơi một số cơ quan báo chí đã triển khai mô hình đầu tư cơ sở vật chất như tòa nhà cao tầng để tạo thêm nguồn thu từ việc cho thuê. Nguồn thu này không chỉ giúp vận hành tòa soạn mà còn hỗ trợ báo in trong bối cảnh doanh thu từ quảng cáo giảm.

“Việc tách biệt mức thuế cho báo in và báo chí khác là không hợp lý, đặc biệt khi các sạp báo truyền thống dần biến mất và hầu hết đã chuyển sang nền tảng số như báo điện tử hay truyền hình trực tuyến”, bà Thúy nhận định.

Theo Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (tỉnh Phú Yên), báo chí hiện nay đang chịu áp lực lớn từ quá trình chuyển đổi số. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trên các nền tảng số, các cơ quan báo chí cần đầu tư mạnh vào công nghệ, con người và cơ sở hạ tầng.

“Mức thuế 10% đối với báo chí không còn mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại. Chúng ta cần chính sách ưu đãi trên chính nguồn thu, khuyến khích báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn. Hỗ trợ báo chí là hỗ trợ cả xã hội, bởi báo chí không chỉ phản ánh thực tế mà còn định hướng dư luận, thúc đẩy những giá trị tích cực trong cộng đồng”, ông Đỗ Chí Nghĩa khẳng định.

Nhiều đại biểu có chung quan điểm, báo chí cần được hỗ trợ đặc biệt về thuế trong giai đoạn hiện nay. Các đại biểu đề xuất, bên cạnh việc áp dụng mức thuế thấp hoặc miễn thuế trong giai đoạn đầu, cần xây dựng chính sách ưu đãi dài hạn để giúp báo chí tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nội dung và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trước đó, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, việc sửa đổi luật là cần thiết để thực hiện chủ trương cải cách thuế của Đảng và Nhà nước, phù hợp với bối cảnh kinh tế mới và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) để sửa đổi hoặc loại bỏ các nội dung lỗi thời, bảo đảo tính trung lập, ổn định, đồng thời thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Mục tiêu là mở rộng cơ sở thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng minh bạch, và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống trốn thuế, xói mòn nguồn thu...

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm