Chính sách

Doanh nghiệp nông nghiệp do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn

DNVN - Phát biểu tại diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp”, chiều ngày 12/8, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản…

Khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp liên kết phát triển sản xuất quy mô lớn / Một vài giải pháp nâng cao năng lực tự động hóa sản xuất doanh nghiệp nông nghiệp

Theo bà Vũ Thị Phương Lan - Chủ tịch Công đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Với tinh thần kiên cường và sáng tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, tại các khu vực nông thôn, có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là nữ. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và quản lý các hợp tác xã, chủ thể OCOP càng phổ biến hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản. Đó là từ vấn đề bình đẳng giới đến tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển.

Diễn đàn chia sẻ những khó khăn và đưa ra giải pháp khắc phục đối với doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong hiệp hội hiện có hơn 700 thành viên, trong đó có khoảng 125 thành viên là các trang trại, nông nghiệp. Trong số trang trại nông nghiệp có hơn 65% trang trại do nữ làm chủ.

"Tuy nhiên, doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản gắn với các chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài vai trò trong hoạt động sản xuất, phụ nữ còn đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Do đó, mong muốn sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ", bà Hạ Thúy Hạnh nói.

Cũng theo bà Hạnh, hiện nay, Luật Bình đẳng giới đã được nêu, nhưng hầu như các doanh nghiệp chưa có chiến lược thực hiện bình đẳng giới, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Bởi vậy, các tổ chức liên quan tới quyền phụ nữ cần có thêm các khảo sát, đánh giá vai trò của phụ nữ trong các cơ sở, doanh nghiệp nông nghiệp và chỉ ra bộ công cụ đánh giá bình đẳng giới hiệu quả để áp dụng.

Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ, nhất là vùng sâu, vùng xa cần có thêm chính sách đặc thù cho từng vùng miền tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia.

Bà Jennifer H. Schmidt - một trong 2 nông dân đến từ Mỹ đã có những chia sẻ về các sáng kiến, công nghệ mới trong sản xuất và quản lý trang trại nông nghiệp. Theo đó, Mỹ có nhiều hoạt động thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp.

Cụ thể là chú trọng đa dạng các hoạt động canh tác các loại cây trồng khác nhau. Áp dụng nhiều công nghệ trong trang trại như sử dụng các app có thể cài đặt trên điện thoại thông minh, vừa dễ sử dụng, vừa giúp cung cấp những thông tin liên quan tới sinh trưởng cây trồng, dịch hại, thị trường. Từ đó, giúp đưa ra các quyết định chính xác về hoạt động canh tác.

Bà Jaclyn Wilson chia sẻ, trang trại của mình tại Lakeside, bang Nebraska, có điểm khác biệt nhất nằm ở nỗ lực giảm tác động đến môi trường khi chăn nuôi. Hiệu quả không chỉ là sản xuất nhiều hơn mà còn phải tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì bền vững và tối đa hóa năng suất.

“Sức khỏe của đồng cỏ tự nhiên rất quan trọng, vì đây là nguồn sống chính cho đàn gia súc và duy trì cân bằng sinh thái của khu vực. Chúng ta cần quản lý cẩn thận các mô hình chăn thả và tránh để đất đai bị khai thác quá mức”, bà Jaclyn nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, bà Lương Như Oanh - Quản lý Chương trình, Chương trình Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thuộc Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã có những trao đổi về thách thức, trở ngại mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một trong những trở ngại lớn nhất đó là biến đổi khí hậu. Phụ nữ là những người tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, nhưng đang hạn chế trong việc được tiếp cận với các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật.

Do đó, bà Oanh cho rằng, cần nghiên cứu để lồng ghép có thực chất vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, chiến lược quốc gia để phụ nữ thực sự được hưởng lợi.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm