Khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp liên kết phát triển sản xuất quy mô lớn
DNVN - Kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQCP, ngành nông nghiệp đã có Kế hoạch hành động, trong đó, xác định trọng tâm nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, khuyến khích liên kết tạo tiền đề phát triển sản xuất quy mô lớn.
Việt Nam sẽ là quốc gia trọng điểm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp thông minh / Liên kết "3 nhà" trong phát triển nông nghiệp chưa như kỳ vọng
Ngày 08 tháng 01 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQCP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ NN&PTNT xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ngành nông nghiệp xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu lớn.
Theo đó, Bộ NN&PTNT xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của cả nước và ngành.
Ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi cần thời gian dài để xử lý và ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ nông sản trong nước.
Dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...
Để tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngành nông nghiệp xác định rõ 11 giải pháp chính để tập trung thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển ngành nông nghiệp; hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, trong các giải pháp trọng tâm, ngành nông nghiệp xác định thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo nền tảng phát triển nông nghiệp số.
Cùng với đó là tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các DN nông nghiệp.
Cụ thể, ngành nông nghiệp hoàn thiện cơ chế chính sách và hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo chỉ đạo tại Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị và Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 23/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển DN nông nghiệp; thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó DN giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá mô hình hiệu quả, kết nối thị trường; áp dụng các quy trình sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với DN sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, coi đây là tiền đề phát triển sản xuất quy mô lớn và thay thế vai trò sản xuất nông hộ nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, thúc đẩy giải pháp phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong bối cảnh tác động của dịch bệnh xuyên biên giới để tổ chức sản xuất, tiêu thụ hiệu quả...
Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Đẩy mạnh phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực.
Ngành nông nghiệp tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật; đảm bảo an toàn thực phẩm; chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Năm 2022, ngành nông nghiệp tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch
Đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước EU theo Hiệp định EVFTA và các nước theo Hiệp định Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, chú ý thị trường Nga và thị trường tiềm năng khác.
Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển bền vững thị trường lớn đã có, mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam...
Phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tham tán thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ các địa phương, DN đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường trọng điểm Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản.
Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đưa hàng hóa từ nông thôn lên thành thị, khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân; xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Triển khai các chương trình, đề án nhằm mục tiêu đa dạng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.
Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh kết nối nông - công nghiệp, đô thị. Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là công trình thủy lợi, cảng cá, trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão; dự án hạ tầng phòng, chống thiên tai, chống sạt lở thích ứng biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ lụt, hạn hán.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Áp dụng công nghệ tiên tiến để cảnh báo sớm, giảm thiểu thiên tai
UNESCO đánh giá cao 'sự phát triển thần kỳ' của Việt Nam
Dồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân sau bão
Infographic: Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội chi gần 100 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách
Biểu dương, tôn vinh điển hình toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở
Hỗ trợ đào tạo nhân tài trẻ ngành viễn thông
Cột tin quảng cáo