Khoa học - Công nghệ

Một vài giải pháp nâng cao năng lực tự động hóa sản xuất doanh nghiệp nông nghiệp

DNVN - Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) đưa ra một vài giải pháp cho doanh nghiệp nông nghiệp khi tự động hóa sản xuất.

Vay vốn ngân hàng: Điểm nghẽn và giải pháp với doanh nghiệp nông nghiệp / Kiểm tra và tháo gỡ các quy định gây khó cho doanh nghiệp nông nghiệp

USAID LinkSME do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Theo USAID LinkSME, doanh nghiệp nông nghiệp nên áp dụng các giải pháp tự động hóa sản xuất cơ bản sau.

Tự động tưới tiêu linh hoạt dựa trên điều kiện thời tiết: Ngoài tính năng cơ bản là tự động tưới tiêu theo lịch trình, doanh nghiệp có thể đầu tư các tính năng nâng cao của hệ thống, cụ thể là năng lực tưới linh hoạt dựa trên điều kiện thời tiết.

Các dữ liệu để phục vụ việc vận hành linh hoạt có thể được thu thập thông qua thiết bị cảm biến tích hợp công nghệ Internet of Things (IoT) có tính năng thu thập và truyền tải dữ liệu theo thời gian thực.

Bộ điều khiển cũng như hệ thống hẹn giờ tưới tự động sẽ được kết nối trực tiếp với thiết bị cảm biến về thời tiết, từ đó có thể tự động vận hành chương trình tưới tiêu cho đồng ruộng, trang trại.

Tự động hóa đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp.

Tự động kiểm soát lượng nước tưới: Doanh nghiệp có thể xem xét bổ sung các tính năng nâng cao hơn cho hệ thống tưới tiêu thông minh, có thể hỗ trợ việc kiểm soát lượng nước tưới vào mỗi cây trồng.

Khi hệ thống tưới tiêu thông minh chỉ dừng lại ở mức độ tự động tưới theo lịch trình sẵn có hay khởi động chương trình tưới linh hoạt dựa trên thời tiết, tình trạng úng nước, thiếu nước ở cây trồng vẫn có thể xảy ra do lượng nước tưới không được kiểm soát.

Hệ thống tưới tiêu thông minh có thể tận dụng các dữ liệu về thời tiết, độ ẩm của đất tại thực địa từ các cảm biến IoT được lắp đặt hoặc các nguồn thông tin sẵn; dữ liệu lịch sử về điều kiện sinh trưởng của các loại cây trồng.

Từ đó, hệ thống sẽ phân tích và tiến hành điều chỉnh lượng nước phù hợp với từng loại cây tương ứng với điều kiện thời tiết và môi trường, đảm bảo quá trình sinh trường thuận lợi của cây trồng.

Thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc: Phương tiện bay không người lái, hay còn được gọi là drone, là một loại thiết bị bay không cần có phi công trong buồng lái.

Thiết bị này được vận hành tự động thông qua kết nối với một chương trình trên máy tính. Mỗi drone được gắn với béc phun thuốc. Drone phun thuốc không chỉ giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí nhân công cho doanh nghiệp mà còn giúp tối ưu hóa việc sử dụng các loại hóa chất trên đồng ruộng, đảm bảo hóa chất được sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo ATTP của sản phẩm đầu ra.

Drone được kết nối với phần mềm điều khiển có chức năng cho phép đặt lịch phun thuốc, ghi chép dữ liệu về nhật ký đồng ruộng chi tiết từng lần phun, danh mục thuốc.

Tương tự như với hệ thống tưới tiêu thông minh, drone phun thuốc trong nông nghiệp cũng có thể được tích hợp các công nghệ như phân tích dữ liệu về cây trồng, điều kiện đất đai, dự đoán dịch bệnh để đưa ra đề xuất về lượng thuốc phù hợp cần được phun.

Các drone phun thuốc thường chạy bằng pin và có thể hoạt động liên tục với tốc độ nhanh hơn so với việc phun thuốc thủ công (trung bình 10 – 15 phút/ha).

Doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê hoặc mua drone phun thuốc phục vụ quá trình sản xuất.

Việc sử dụng đúng liều lượng thuốc trừ sâu bằng drone cũng góp phần phát triển bền vững nhờ giảm ô nhiễm đất, nước.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê hoặc mua drone phun thuốc phục vụ quá trình sản xuất. Hiện nay trên thị trường, các drone phun thuốc có giá trong khoảng 400 - 700 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng có thể thuê drone phun thuốc với chi phí khoảng 160.000 - 200.000 đồng/ha.

Hệ thống chăn nuôi tự động: Hệ thống chăn nuôi tự động giúp tăng cường kỹ thuật chăn nuôi gia cầm cho các trang trại nhằm tối ưu hóa hoạt động, tinh gọn quy trình chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh, tăng sức đề kháng cho gia cầm trước mọi biến động của môi trường bên ngoài.

Các hệ thống chăn nuôi tự động ứng dụng công nghệ IoT, tự động vận hành việc cho ăn, làm mát, chiếu sáng theo các cài đặt đã được định trước về định lượng thức ăn, điều kiện môi trường để ngăn chặn các mầm bệnh phát triển, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của gia cầm.

Bên cạnh đó, USAID LinkSME đã đưa ra 3 điểm cần lưu ý cho doanh nghiệp nông nghiệp khi tự động hóa sản xuất. Đó là, việc triển khai tự động hóa phải dựa trên quy mô, đặc điểm của mô hình kinh doanh, mức độ trưởng thành của các tính năng doanh nghiệp có thể cân nhắc về việc đầu tư các tính năng nâng cao cho các hệ thống tự động.

Việc ứng dụng các hệ thống tự động hóa đòi hỏi lao động có các kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ như kiến thức về phần mềm/ứng dụng để điều khiển hệ thống, kỹ năng điều khiển drone. Doanh nghiệp cần cân nhắc đến chi phí thuê, đào tạo lao động khi sử dụng công nghệ này để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, việc ứng dụng các cảm biến IoT trên cánh đồng/chuồng trại cần có sự đánh giá kỹ lưỡng giữa chi phí và lợi ích. Sử dụng cảm biến có một số giới hạn về nguồn điện, tuổi thọ, kết nối mạng nên doanh nghiệp cần thực hiện thử nghiệm ở một phạm vi nhất định trước khi mở rộng quy mô áp dụng.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm