Dự thảo Luật thuế thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần đánh giá tác động cụ thể đối với doanh nghiệp
Đề xuất gia hạn 8.560 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước / Doanh nghiệp đồ uống kiến nghị giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, ngành bia - rượu - nước giải khát có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ/năm. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế.
Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các doanh nghiệp phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động.
Hiệp hội cho rằng, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là “một cú sốc” đối với các doanh nghiệp trong ngành. Doanh nghiệp đã đang khó lại còn khó hơn.
Trước sự lo ngại này từ cộng đồng doanh nghiệp ngành đồ uống, ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần phải xem lại mục tiêu của dự thảo luật.
“Tôi chưa nói đến mục tiêu của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có khoa học hay chưa, tuy nhiên, mục tiêu chính ở đây là phải làm sao tạo nguồn thu để phát triển kinh tế. Và nền kinh tế có đi lên được hay không thì xương sống phải là các doanh nghiệp. Mục tiêu của dự thảo luật phải hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Khải nói.
Theo ông Khải, ban soạn thảo cần phải xem lại cách xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong việc lấy ý kiến đánh giá tác động từ dự thảo luật đối với kinh tế - xã hội, phải lấy ý kiến riêng từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nếu dự thảo luật chỉ vì mục tiêu tăng thuế thì không ổn. Mục tiêu phát triển phải đến với cả hai phía - Chính phủ và doanh nghiệp. Cần đưa ý kiến doanh nghiệp thành một phần nội dung để Chính phủ thảo luận các dự án luật liên quan.
“Việc đánh giá tác động về mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là tác động đối với doanh nghiệp trong xây dựng dự thảo là rất quan trọng. Đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan cần đánh giá tác động, từng chi tiết và từng quy phạm đối với riêng từng sản phẩm.
Cần phải đánh giá cụ thể, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thì mỗi doanh nghiệp mất bao nhiêu lao động, bị chịu thêm bao nhiêu thuế”, ông Khải nhấn mạnh.
Xét về kinh nghiệm quốc tế, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, các nước trên thế giới ngoài việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội, còn đánh giá về vấn đề an ninh. Ví như nạn thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo nạn trộm cắp.
Ông Khải đề xuất, các hiệp hội cần tăng cường vai trò tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và cơ quan soạn thảo để đánh giá tác động cụ thể hơn từ dự thảo Luật thuế thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo