Chính sách

Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Nặng về kiểm kê, kiểm soát

DNVN - Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo nhiều doanh nghiệp (DN) và hiệp hội DN, nội dung dự thảo còn nhiều quy định và khái niệm mới gây khó khăn cho DN. Cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo chỉ nặng về kiểm kê và kiểm soát.

Đêm nghệ thuật "Ô Hi Show": Truyền cảm hứng để giới trẻ “lên tiếng” bảo vệ thiên nhiên / Thừa Thiên Huế vẫn nóng tình trạng phá rừng

Ngày 1/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo trực tuyến Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (dự thảo nghị định). Sự kiện được tổ chức nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp chịu sự tác động,
Nhiều đối tượng chịu tác động
Tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, dự thảo quy định về trách nhiệm kiểm kê hoạt động phát thải và thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp; phát triển thị trường các-bon trong nước; kiểm soát việc xuất nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính. Dự thảo quy định cụ thể về đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Tăng cường hấp thụ khí nhà kính; Hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính...
Về lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, dự thảo đưa ra lộ trình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Nghị định chưa phải bỏ chi phí thực hiện giảm nhẹ khí nhà kính. Nhưng đến giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

Ảnh minh họa.
Đại diện Ban Soạn thảo dự thảo nghị định khẳng định, việc ban hành nghị định này là hết sức cần thiết khi Việt Nam nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, việc xây dựng, thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa bài bản, thiếu tính kết nối và liên thông đồng bộ về mục tiêu, giải pháp ở quy mô, lợi ích tổng thể của quốc gia. Nhận thức của xã hội, của từng doanh nghiệp cũng như người dân, cộng đồng về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, những quy định của dự thảo nghị định sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện; công nghiệp; chăn nuôi; kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ; xử lý chất thải rắn; quản lý tòa nhà thương mại; sản xuất, xuất nhập khẩu, sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính.
DN bỡ ngỡ khi tiếp cận dự thảo nghị định
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá, dự thảo nghị định có nhiều quy định và khái niệm mới. Do đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và bỡ ngỡ khi tiếp cận nội dung. Để hoàn thiện dự thảo nghị định, đại diện các DN và hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, Ban Soạn thảo cần tập trung vào làm rõ một số khái niệm, thuật ngữ, làm rõ đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng như hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính...
Băn khoăn về đối tượng chịu tác động bởi dự thảo nghị định, bà Phạm Khánh Hòa - Công ty CP Vật liệu xây dựng Viễn Châu góp ý, Ban Soạn thảo cần làm rõ hơn đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
"Dự thảo mới chỉ đưa ra lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính, chưa chỉ rõ được đối tượng nào cần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, căn cứ nào để xác định đối tượng và nếu thuộc đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thì giảm ở mức độ nào", bà Hòa nói.
Tại khoản 5 và khoản 6 Điều 11 nói về thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính, bà Hòa cho biết, dự thảo mới chỉ quy định vào căn cứ nội dung và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phê duyệt, chưa có bất kỳ quy định nào về tiêu chí để phê duyệt cơ quan có thẩm định kiểm kê khí nhà kính của DN. Do đó, bà Hòa đề xuất cần bổ sung tiêu chí cụ thể hơn để phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, tại Điều 4 dự thảo nêu: "giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện hành, pháp luật hành và các điều ước quốc tế".
"Với cụm từ "phù hợp với pháp luật hiện hành", chúng tôi đề nghị Ban Soạn thảo có cách thể hiện phù hợp, theo đó nên bỏ chữ "hiện hành", tránh việc phải điều chỉnh, thay đổi những quy định có liên quan", ông Quyền góp ý.
Đóng góp ý kiến về nội dung yêu cầu đối với đơn vị thẩm định quy định trong Điều 14, ông Quyền cho rằng, Ban Soạn thảo chưa đưa ra khái niệm "đơn vị thẩm định". Ông giải thích: nếu hình thành loại hình đơn vị chuyên đi thẩm định theo kiểu DN thì sẽ rất khó quản lý, mà độ tin cậy không biết như thế nào.
"Chúng tôi đề nghị nên sử dụng các đơn vị của Nhà nước, tận dụng các đơn vị sự nghiệp đã có, ví dụ như ở các địa phương có Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các sở tài nguyên & môi trường, để tiến hành hoạt động thẩm định", ông kiến nghị.
Trong khi đó, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, Ban Soạn thảo nặng về các tiêu chí kiểm kê, kiểm soát khí thải nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
"Hình như dự thảo chủ yếu nặng về kiểm kê, thẩm định. DN đang rất khó khăn, đặc biệt là DN nhỏ. Trong khi đó, chúng ta đang đẩy mạnh Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP), theo đó khuyến khích bà con nuôi bò, giờ ra dự thảo này, họ không biết làm như thế nào!", ông Trung chia sẻ.
Về thuật ngữ, ông Trung đề xuất Ban Soạn thảo cần nói rõ DN phát thải khí nhà kính là những DN gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ đâu mà ra. Nghị định cũng cần nêu ra các giải pháp bảo vệ tầng ô-dôn, làm sao giảm khí thải nhà kính.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo dự thảo nghị định nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp tiên phong trong giảm phát thải khí nhà kính như Nhật Bản từng làm.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp của các DN và Hiệp hội DN, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu tất cả các góp ý và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo nghị định nhằm đảm bảo tính hợp lý, khả thi của quy định. Ông Tấn cam kết nghị định sẽ không tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm