Môi trường

Thi hài người chết do dịch bệnh nguy hiểm phải được hỏa táng

DNVN - Đây là một trong nhiều nội dung quan trọng được nêu trong dự thảo Thông tư quy định vệ sinh trong mai táng, hỏa táng do Bộ Y tế soạn thảo.

Kiên Giang: Giả nhân viên y tế phát khẩu trang tẩm thuốc mê để chiếm đoạt tài sản / Hà Tĩnh: Cách ly y tế 9 thôn, 1.518 hộ dân nơi ghi nhận 3 mẹ con nhiễm Covid 19

Trong dự thảo Thông tư quy định vệ sinh trong mai táng, hỏa táng, ngoài đề xuất quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng đối với người chết do nguyên nhân thông thường, Bộ Y tế đề xuất quy định vệ sinh trong mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm.
Theo dự thảo, thi hài người chết do dịch bệnh nguy hiểm phải được hỏa táng tại nhà hỏa táng. Chỉ thực hiện mai táng trong trường hợp: Không có nhà hỏa táng tại tỉnh hoặc thời gian vận chuyển đến nhà hỏa táng lớn hơn 4 giờ; Không thể vận chuyển thi hài đến nơi hỏa táng bằng các phương tiện chuyên dụng.
Khi có người chết do mắc các bệnh dịch nguy hiểm, phải thông báo ngay cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và tiến hành xử lý thi hài. Hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người chết do nhiễm bệnh dịch nguy hiểm, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài. Thời gian quàn ướp thi hài không quá 06 giờ kể từ khi chết hoặc phát hiện thi hài.
Ảnh minh họa.

Tại các hộ gia đình: Thi hài phải được quàn ướp tại nơi thông thoáng ở trong nhà, được phủ kín bằng chăn hoặc vải và phải có người trông coi thường xuyên để bảo vệ thi hài tránh côn trùng, súc vật xâm nhập.
Tại nhà tang lễ: Thi hài phải được quàn ướp tại phòng quàn ướp. Không được quàn ướp tại phòng tổ chức tang lễ ngoại trừ thời gian tiến hành tổ chức tang lễ.
Trường hợp người chết mà không được đưa vào trong nhà ở, nhà tang lễ thì phải tiến hành quàn ướp ngay tại nơi phát hiện thi hài.
Thời gian khâm liệm thi hài không quá 7 giờ kể từ khi chết hoặc phát hiện thi hài. Bọc kín thi hài bằng túi đựng thi hài làm bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không dễ bị bục/thủng, thành túi có độ dày ≥ 150μm; khóa kéo phải kín và chắc chắn. Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 2 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi hài bằng 02 lớp ni-lon; Phun khử khuẩn bên ngoài lớp ni-lon thứ nhất bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính. Thực hiện tương tự với lớp ni-lon thứ hai. Xử lý toàn bộ các bề mặt khu vực có người chết bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính.
Về vệ sinh trong quàn ướp, khâm liệm thi hài tại cơ sở y tế, dự thảo nêu rõ, khi có người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm các bệnh dịch nguy hiểm tử vong, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh: Không bố trí người bệnh khác (kể cả người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm) trong buồng bệnh đang có thi hài. Trường hợp trong buồng bệnh có người bệnh khác thì phải chuyển ngay người bệnh đó sang buồng bệnh khu vực cách ly. Trước khi di dời, bệnh nhân được mặc phương tiện bảo vệ cá nhân. Tuyệt đối không mang bất cứ vật dụng gì ra khỏi buồng bệnh khi buồng bệnh chưa được phun khử khuẩn lần cuối. Trong khi chờ nhân viên đại thể đến lấy thi hài, nhân viên khoa phòng che phủ thi hài bằng ga trải giường.
Thời gian quàn ướp thi hài không quá 6 giờ kể từ khi chết. Bọc kín thi hài bằng túi đựng thi hài làm bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không dễ bị bục/thủng, thành túi có độ dày ≥ 150μm; khóa kéo phải kín và chắc chắn. Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 2 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi hài bằng 2 lớp ni-lon. Phun khử khuẩn bên ngoài lớp túi thứ nhất bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính. Thực hiện tương tự với lớp túi đựng thi hài thứ hai.
Túi đựng thi hài sau khi đóng kín phải sử dụng thẻ hoặc miếng dán có biểu tượng nguy hại sinh học để dán ở bên ngoài túi (theo quy định về quản lý chất thải y tế của Bộ Y tế). Trải một chiếc vải trải giường sạch lên xe chở thi hài, đặt thi hài lên trên tấm vải sạch, đi tới gần cửa buồng bệnh và tháo bỏ phương tiện bảo vệ cá nhân (để đồ tháo bỏ ở phía trong buồng bệnh), khử khuẩn tay và ra ngoài buồng bệnh.
Phun khử khuẩn toàn bộ buồng bệnh sau khi chuyển thi hài ra khỏi buồng bệnh và hành lang, đường vận chuyển thi hài đi qua bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính. Trong suốt thời gian kể từ khi người bệnh tử vong tới khi mang thi hài ra khỏi buồng bệnh, nhân viên y tế tại khoa có người bệnh tử vong cần giám sát nhắc nhở tất cả đối tượng vào buồng bệnh phải thực hiện đúng quy định về cách ly phòng ngừa lây nhiễm.
Về vệ sinh rác thải liên quan đến người chết, dự thảo nêu: Thu gom toàn bộ rác thải bao gồm đồ vải, vật dụng cá nhân cần thải bỏ của người chết, phương tiện bảo vệ cá nhân và các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý thi hài. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng thứ nhất và buộc chặt miệng túi. Sau đó cho túi thứ nhất vào một túi màu vàng thứ hai, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Bên ngoài túi màu vàng thứ hai phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM” và đưa đi xử lý theo quy định.
Về vệ sinh trong vận chuyển thi hài, dự thảo quy định: Vận chuyển thi hài bằng xe ô tô chuyên dụng thẳng tới nơi mai táng, hoả táng. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài. Vận chuyển thi hài người chết do dịch bệnh nguy hiểm đến nơi mai táng, hỏa táng phải đảm bảo các quy định sau:
- Người đi cùng phương tiện vận chuyển quan tài của người tử vong phải mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Ngay sau khi vận chuyển quan tài tới nơi mai táng, hỏa táng phải khử khuẩn toàn bộ bề mặt phương tiện chở quan tài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính.
- Người tham gia vận chuyển thi hài, quan tài phải tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định; vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch, sau đó khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.
Không cho phép vận chuyển qua biên giới thi thể, hài cốt do mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm), một số bệnh truyền nhiễm nhóm B như bạch hầu, thương hàn và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Đơn vị tổ chức tang lễ và gia đình phải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh theo quy định. Trường hợp tổ chức tang lễ cho người chết do mắc các dịch bệnh nguy hiểm thì sau khi tang lễ kết thúc, nền nhà, tường xung quanh nơi đặt thi hài và các vật dụng có tiếp xúc với thi hài phải được xử lý bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
Khi tổ chức lễ tang, hạn chế tối đa người đến viếng, tham dự lễ tang để tránh tập trung đông người, giữ khoảng cách theo quy định hiện hành. Đảm bảo những người phục vụ, tham dự, đến viếng phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham dự lễ tang. Bố trí nơi rửa tay có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn tại các địa điểm thuận tiện cho người tham dự lễ tang. Bố trí đủ thùng đựng rác đúng quy định để thu gom khẩu trang, khăn giấy, các chất thải khác phát sinh từ quá trình tổ chức lễ tang và rác thải phải được thu gom và đổ đúng nơi quy định. Đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa; đảm bảo nhà vệ sinh có xà phòng rửa tay, nước sạch và có thùng đựng rác có nắp đậy. Không tổ chức lễ tang trong khu vực cách ly, phong tỏa. Người trong khu cách ly, phong tỏa không được ra khỏi khu vực cách ly để tham dự tang lễ.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm