Chính sách

Giám đốc đầu tư ThinkZone Ventures: Cần cơ chế sandbox trong lĩnh vực khởi nghiệp

DNVN - Bên cạnh những tác động lớn từ COVID-19, đại dịch là cơ hội để các quỹ đầu tư nội tham gia sâu thị trường đầu tư mạo hiểm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các quỹ đầu tư nội địa cũng như áp dụng sandbox để quản lý các startup. Bà Chelsea Nguyễn, Giám đốc đầu tư của ThinkZone Ventures đã trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam về chủ đề này.

Thủ tục cấp giấy phép môi trường cần tránh phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp / Chặn đường sống của hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng ra sao đến hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp của các doanh nghiệp nói chung và ThinkZone Venture nói riêng?

Bà Chelsea Nguyễn:Nửa đầu năm 2021, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động đó, nhà đầu tư thường có xu hướng theo dõi các startup, theo dõi cách các nhà sáng lập điều hành công ty vượt qua những khó khăn. Do đó lượng tiền đầu tư vào các startup Việt trong năm 2021 có xu hướng giảm so với các năm trước.

Dữ liệu mới được công bố từ Cento Venture cho thấy, trong nửa đầu năm 2021, lượng vốn mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái - đánh dấu mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.

Cũng theo Cento Venture, 6 tháng đầu năm 2021, các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam chỉ thu hút khoảng 130 triệu USD tiền đầu tư, chiếm 3% trong cơ cấu giá trị vốn của 6 nước Đông Nam Á (gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines). Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2019 - khi Việt Nam có thời điểm chiếm hơn 30% giá trị vốn.

Tuy nhiên, các startup Việt đã thể hiện khả năng thích ứng và phát triển trong thời gian qua rất tốt. Đó cũng là lý do tôi tin tưởng trong nửa cuối năm nay sẽ có rất nhiều thương vụ đầu tư với quy mô lớn được công bố.


Bà Chelsea Nguyễn- Giám đốc đầu tư của ThinkZone Ventures.

Sự sụt giảm trong nửa đầu năm nay không thể hiện xu hướng giảm của thị trường mà chỉ là sự sụt giảm ngắn hạn do yếu tố khách quan. Việt Nam vẫn là một thị trường đầu tư mạo hiểm thu hút được rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại dịch COVID-19 cũng là yếu tố giúp thúc đẩy thay đổi trong hành vi của người dùng cũng như quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Điều này là yếu tố rất có lợi cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ.

ThinkZone cũng như các quỹ đầu tư khác trong khu vực vẫn đang rất tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các công ty có mô hình kinh doanh bền vững và có tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

Trong bối cảnh ngân hàng không cho vay đầu tư vào khởi nghiệp do liên quan đến điều kiện bảo đảm tài sản thế chấp. Vậy theo bà giải pháp nào để thúc đẩy việc huy động vốn cho đầu tư vào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được dễ dàng hơn?

Bà Chelsea Nguyễn: Hiện nay bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp thì còn có rất nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác đến từ các tổ chức quốc tế dành riêng cho các công ty khởi nghiệp như các khoản hỗ trợ (grant) hay vốn vay khởi nghiệp (venture debt). Về phía các công ty khởi nghiệp, các nhà sáng lập có thể tìm hiểu về các mô hình huy động vốn khác nhau để chủ động trong kế hoạch của mình thay vì chỉ đi theo 1 phương án huy động vốn trực tiếp.

Ngoài ra, để thúc đẩy việc đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam cũng cần tháo gỡ các vấn đề về thuế và thủ tục đầu tư, thoái vốn để các quỹ đầu tư trong và ngoài nước có thể hoạt động hiệu quả hơn, đầu tư trực tiếp vào các pháp nhân tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần có thêm nhiều chương trình kết nối, hội thảo giúp kết nối các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài có hứng thú với thị trường Việt Nam.

Vấn đề huy động vốn cho khởi nghiệp đã được giới chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, có đề xuất phải ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm? Nhìn nhận của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Chelsea Nguyễn: Luât Đầu tư mạo hiểm là một trong rất nhiều đề xuất để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề mà các quỹ đầu tư gặp phải hiện nay không chỉ dừng lại ở mặt pháp lý của quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các thủ tục hành chính mà còn ở cơ chế về thuế khi thoái vốn.

Để giải quyết các vấn đề này này cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành để có một quy định tổng thể, tránh việc chồng chéo quy định giữa các văn bản pháp lý của các đơn vị, gây khó khăn cho hoạt động triển khai trong thực tế.

Cũng cần lưu ý, quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ là 1 thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, để có một hệ sinh thái vững mạnh và phát triển, Việt Nam cũng cần thêm các văn bản hướng dẫn, các ưu đãi hỗ trợ việc phát triển của các thành phần trong hệ sinh thái đó.

Là doanh nghiệp chuyên đầu tư vào những nhà sáng lập đầy tham vọng, trong khi đại dịch ảnh hưởng không nhỏ đến các startup cũng như các doanh nghiệp đầu tư vốn và khởi nghiệp, kiến nghị của ThinkZone với cơ quan quản lý Nhà nước là gì?

Bà Chelsea Nguyễn: ThinkZone là một trong số ít những quỹ đầu tư nội địa hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua. Quỹ đầu tư nội địa thường linh hoạt hơn trong việc giải ngân cho các startup cả về thời gian cũng như phương thức giải ngân. Điều này đã thể hiện ưu thế trong thời gian qua, giữa bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn những diễn biến khó đoán ở Việt Nam.

Bên cạnh những hỗ trợ về tài chính, quỹ nội còn có kiến thức và chuyên môn về thị trường trong nước cũng như có mạng lưới các đối tác tập đoàn, công ty trong nước để kết nối, hỗ trợ startup trong quá trình phát triển công ty của mình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các startup trong giai đoạn ban đầu phát triển.

Hoạt động đầu tư khởi nghiệp có mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều so với các hoạt động đầu tư truyền thống khác. Do đó, tôi hi vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những cơ chế hỗ trợ cho hoạt động của quỹ đầu tư nội địa, tạo những chính sách ưu đãi về thuế cho quỹ nội, để quỹ nội có thể tự tin hoạt động và đầu tư vào các pháp nhân ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp thường sẽ phát triển các mô hình kinh doanh hoặc công nghệ mới, chưa được quy định trong các loại hình kinh doanh truyền thống. Vì vậy, tôi cũng rất hi vọng Việt Nam có thể phát triển các mô hình sandbox trong việc quản lý hoạt động của các công ty khởi nghiệp, tháo gỡ rào cản về pháp lý và quy định hoạt động của các mô hình kinh doanh mới này để các công ty có thể phát triển, đồng thời, cũng dễ dàng cho các cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh của các công ty khởi nghiệp hơn.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyệt Minh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm