Chính sách

Chuyên gia kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp

DNVN - Theo ông Hà Đăng Sơn – Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam, với những thách thức đặt ra trong chuyển dịch năng lượng, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp để qua đó nghiên cứu xem thị trường sẽ vận hành như thế nào nếu điện tái tạo tham gia thị trường.

Chuỗi lao động đã đứt gãy, nan giải bài toán kéo công nhân trở lại thành phố / Mở rộng trường hợp người lao động ngừng việc được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững.
Nghị quyết này nêu rõ, đẩy nhanh nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới, minh bạch giá mua bán điện.
Trong khi đó, Nghị quyết 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khoá XIV có nội dung: “...năm 2020, mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thí điểm để chủ đầu tư các nhà máy điện gió và điện mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023”.
Ông Hà Đăng Sơn – Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP II) cho rằng, chuyển dịch năng lượng hiện nay thể hiện ở việc sử dụng nguồn tái tạo để sản xuất năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng thông qua các giải pháp hiệu quả năng lượng. Bên cạnh những thách thức về môi trường, chuyển dịch cơ cấu năng lượng còn đặt ra những thách thức về thị trường hóa. Đây thực sự là vấn đề khó vì Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi.

Ảnh minh họa.
Thị trường điện cạnh tranh đã có một lộ trình do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2015 đến năm 2020, trong hơn 36.000 MW tăng trưởng hệ thống về mặt công suất, điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 1 nửa nhưng hoàn toàn không tham gia thị trường. Trong số còn lại, 18.000 MW là đa mục tiêu và tham gia thị trường BOT khoảng 4.000 MW, các cơ chế khác khoảng 5.000 MW.
"Như vậy để tham gia thị trường điện thực ra chỉ có khoảng 9.000 MW. Trong đó, có đến 7.900 MW là các nhà máy do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu và khối tư nhân thực sự chỉ tham gia 1.619 MW - tỷ lệ rất nhỏ nhoi trong các dự án được xây dựng trong thời gian tới. Và những chủ đầu tư nước ngoài hoàn toàn chưa tham gia vào những dự án này. Đây là một thách thức rất lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn sắp tới. Có thể thấy rõ sau khi hoàn thiện thị trường bán buôn cạnh tranh chuyển sang bán lẻ cạnh tranh nhưng vẫn chưa có sự tham gia của khối tư nhân trong thị trường điện", ông Sơn nói.
Lý giải điều này, ông Sơn cho biết, các chủ đầu tư cảm thấy có quá nhiều rủi ro trong câu chuyện thị trường điện Việt Nam hiện nay mặc dù Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương đã ban hành nhiều hướng dẫn, quy định, định hướng chính sách phát triển thị trường điện.
"Thách thức sẽ liên tục nếu cứ đưa ra giá FIT (giá điện cố định được trả cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo cho mỗi đơn vị năng lượng được sản xuất và đưa vào lưới điện), trong khi đầu ra bóp nghẹt làm giá bán lẻ điện ở mức cố định trong thời gian dài. 3 năm nay điện vẫn ở mức giá cố định trong khi thị trường chứng kiến việc trượt giá chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào, trượt giá nhân công, tài sản, đầu tư...", ông Sơn nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm, ông Sơn lấy dẫn chứng chính sách áp dụng tại nước Đức. Gần một nửa giá điện bán lẻ là để bù giá cho điện tái tạo và chi trả cho chi phí vận hành lưới điện truyền tải và phân phối. Đây là điều mà Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng trong thời gian tới, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng.
Với chuyển dịch năng lượng, dưới góc nhìn của chuyên gia này, nếu giả định các dự án nguồn khí và than vào muộn và chúng ta phải thay thế bằng cách đẩy năng lượng tái tạo lên thì công suất yêu cầu của các nguồn điện tái tạo sẽ cao hơn rất nhiều so với công suất cần phải xây dựng đối với các dự án điện truyền thống. Khi đó, vấn đề chi phí đầu tư và chi phí vận hành cần phải cân nhắc đầy đủ.
Những thách thức trong việc tích hợp tỷ trọng lớn nguồn điện năng lượng tái tạo cũng được ông Sơn đề cập. Theo phân tích của ông Sơn, nguồn điện gió, điện mặt trời không ổn định. Thực tế, sản lượng phát của điện mặt trời tương đối phẳng giữa các tháng, đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 10. Còn sản lượng phát của điện gió thấp nhất trong tháng 5 và tháng 9. Do đó phải nhìn nhận tháng nào cần có nguồn năng lượng truyền thống để bù đắp cho những nguồn về điện mặt trời và điện gió không có sản lượng điện cao. Phải căn cứ vào đặc thù của Việt Nam, chứ không thể áp dụng mô hình của nước khác vào nước ta.
"Sản lượng điện mặt trời và điện gió lên quá cao hồi tháng 6 năm nay, theo đó phải cắt giảm và xử lý bằng kỹ thuật điều độ là bài học. Trong cơ chế thị trường hóa phải nhìn nhận theo hướng bù đắp cho những thiệt hại về phát điện như thế nào cho phù hợp", ông Sơn nhìn nhận.
Liên quan đến điện mặt trời mái nhà, ông Sơn cho biết ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương yêu cầu sử dụng tối đa nguồn điện mặt trời áp mái cho nhu cầu phụ tải phụ trội, nếu không sẽ gây áp lực lớn cho các lưới điện phân phối và có thể gây ra cháy nổ, mất an toàn cho lưới điện. Theo ông Sơn, thay vì câu chuyện đẩy toàn bộ tác động này lên lưới điện phân phối thì hãy để nhân viên điều độ xử lý phụ tải.
Đối với thị trường, theo quy định hiện hành, điện gió và điện mặt trời không bắt buộc phải tham gia thị trường điện. Ông Sơn đánh giá, quy định này làm cho các dự án điện tái tạo không mặn mà tham gia thị trường điện.
Với những phân tích trên, Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam đặt ra câu hỏi tại sao cần thúc đẩy cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sớm ban hành cơ chế này?
"Rõ ràng tất cả các nghị quyết từ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 100 của Quốc hội khóa XIV đến các định hướng chính sách khác của Chính phủ, Bộ Công Thương đều nhấn mạnh câu chuyện cho phép thí điểm DPPA. Rủi ro trong trường hợp này là giá điện sẽ được đẩy nhiều hơn cho phía nhà đầu tư và như thế chúng ta phải xem xét tín hiệu về thị trường, đánh giá xem liệu thiết kế cơ chế này có tốt hay không, có cần điều chỉnh gì trong vài một vài năm tới hay không", ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, quan trọng nhất là cơ chế này hoàn toàn tuân thủ theo thiết kế về chi phí của thị trường bán buôn điện cạnh tranh và định hướng theo thiết kế của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Do đó, ông bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế để qua đó nghiên cứu xem nếu điện tái tạo vào thị trường thì cơ chế thị trường sẽ vận hành như thế nào và đi vào thị trường bán buôn, bán lẻ sẽ ra sao.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm