Chính sách

Hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững

DNVN - Phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, sáng ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh, cần đưa đề án vào cuộc sống để hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Cần chính sách thuế ưu đãi đồng bộ cho ngành vật tư nông nghiệp / Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần 5 thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững

Phát biểu tại Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, ngày 11/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức phê duyệt Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Từ ngày 25/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị, đưa ra hiện trạng và giải pháp về đất trồng trọt. Có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế đã được thảo luận.

Thứ trưởng Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị.

"Nhiệm vụ của hội nghị hôm nay là quán triệt rõ nội dung cần làm trong thời gian tới. Các cơ quan của bộ cũng sẽ nghe kỹ nội dung, để biết ai làm gì, trách nhiệm tới đâu. Cần làm thế nào để đề án đi vào cuộc sống, chúng tôi rất mong được nghe ý kiến nhiều chiều từ trung ương đến địa phương", ông Trung nói.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Vũ Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng. Bởi vậy, các chương trình, tài liệu tập huấn về sức khỏe đất trồng trọt và hướng dẫn sử dụng phân bón được đề án đẩy mạnh để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật.

“Ngoài xây dựng mạng lưới cán bộ kỹ thuật phục vụ công tác nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng, cần tuyên truyền để nhận được sự quan tâm của cộng đồng và sự tham gia, phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sản xuất”, ông Thắng khuyến nghị.

Theo ông Nguyễn Quang Tin - Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để có một bộ cơ sở dữ liệu về đất trồng trọt thì cần hệ thống lại, nghiên cứu hoàn thiện. Các viện nghiên cứu, các cơ quan đã tham gia đề án cần chung tay hoàn thiện cơ sở dữ liệu.

“Về chất lượng đất, sức khỏe đất nói chung, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu. Từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất đều phải có con số cụ thể để sử dụng được, trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mặt khác, Việt Nam đang vững bước trên con đường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính nên càng cần có dữ liệu đất”, ông Tin nói.

Cũng theo ông Tin, một trong những điểm yếu về đất là nước ta chưa có ứng dụng (app) về dữ liệu đất, đầu ra cũng như đầu vào. Hầu như năm nào cũng có công trình nghiên cứu về đất, về phân bón, song còn rời rạc.

Cần có những chương trình có sự phối hợp, quy mô như nghiên cứu về giống lúa, giống cây trồng. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu sắp tới về đất phải thay đổi, có sự đầu tư bài bản hơn.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm