Chính sách

Khánh Hòa: Triển khai điều tra doanh nghiệp để tính chỉ tiêu GRDP

DNVN - Việc điều tra doanh nghiệp nhằm để phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế, phục vụ tính chỉ tiêu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Đề xuất cách áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với đồ uống có cồn / "Gỡ thẻ vàng" IUU: Tinh thần "khó đến đâu gỡ đến đó"

Vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản khẩn về việc thực hiện điều tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Cục Thống kê (cơ quan chủ trì thực hiện cuộc điều tra) phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát, cập nhật số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy mô và tình trạng hoạt động; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các điều tra viên, giám sát viên, người cung cấp thông tin của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan; triển khai thực hiện thu thập thông tin về doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các nội dung của cuộc điều tra theo đúng phương án quy định. Đồng thời, Cục Thống kê cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế tỉnh, cơ quan báo, đài danh sách doanh nghiệp không thực hiện kê khai hoặc không hợp tác với điều tra viên trong việc cung cấp thông tin theo quy định (nếu có) phục vụ việc công khai.

đ

Tỉnh sẽ điều ta thông tin định danh của doanh nghiệp; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình doanh nghiệp; cơ sở trực thuộc của doanh nghiệp. Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động: số lao động; thu nhập của người lao động.

Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa phải cung cấp cho Cục Thống kê danh sách và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/12/2021 và các doanh nghiệp thành lập mới năm 2021; phối hợp với Cục Thống kê rà soát số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy mô và tình trạng hoạt động; tuyên truyền về cuộc điều tra doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của đơn vị, đồng thời gửi email về trang web kê khai trực tuyến, hướng dẫn cách đăng nhập… đến từng doanh nghiệp được chọn điều tra; công khai tên, địa chỉ các doanh nghiệp không thực hiện kê khai hoặc không hợp tác với điều tra viên trong quá trình cung cấp thông tin (nếu có); chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thống kê trong công tác rà soát, tuyên truyền và thu thập thông tin

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Thống kê thực hiện công tác tuyên truyền để các đơn vị điều tra hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc điều tra để kê khai đúng, đầy đủ các nội dung điều tra theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc điều tra doanh nghiệp tại địa phương mình quản lý theo đúng phương án điều tra của Trung ương. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chính xác và kịp thời số liệu trên trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn.

Thời gian thu thập thông tin tại các doanh nghiệp từ ngày 15/4 đến ngày 20/5/2022.

 

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết sẽ tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2022 trên phạm vi cả nước từ ngày 15/4/2022 đến hết ngày 30/5/2022.

Mục đích cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2022 nhằm thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế-xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.

Bên cạnh đó, cuộc điều tra còn phục vụ tính chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2021, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế; biên soạn "Sách Trắng doanh nghiệp năm 2023" và “Sách Trắng hợp tác xã năm 2023”; cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, điều tra doanh nghiệp năm 2022 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018), trừ 3 ngành: ngành O - hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; ngành U - hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế; ngành T - hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (do đối tượng điều tra không phát sinh trong các ngành này).

Đối tượng điều tra là tổ chức, cá nhân (được xác định là đơn vị cơ sở hay còn được gọi là đơn vị ngành kinh tế theo địa bàn), thỏa mãn các điều kiện sau: có địa điểm xác định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh; có người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp.

 

Các đơn vị cơ sở này có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh. Mỗi đơn vị cơ sở chỉ đóng tại một địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) và chỉ tiến hành một loại hoạt động kinh tế thuộc ngành kinh tế cấp 3.

Đơn vị điều tra là doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp; Luật Hợp tác xã/Liên hiệp Hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo Luật hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành như: Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán...

Tập đoàn, tổng công ty gồm 64 tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp có hoạt động hạch toán toàn ngành (bao gồm 3 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng).

Hoàng Thơ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm