Chính sách

Ngành công nghiệp cần đổi mới tư duy, thực hiện các giải pháp đột phá

DNVN - Dù ngành công nghiệp tiếp tục đạt được những thành tựu rất quan trọng trong năm 2024 nhưng ngành cần nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy, thực hiện các giải pháp đột phá để góp sức hiện thực mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp còn khiêm tốn / Thi hành án dân sự: Doanh nghiệp kỳ vọng sự đột phá từ luật mới

Thông điệp được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp ngày 27/12 tại Hà Nội.

Trong báo cáo tổng kết, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: năm 2024, ngành công nghiệp đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt trên 8%, cao nhất từ năm 2020, vượt mức kế hoạch 7-8% của Chính phủ.

Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung với tốc độ tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ. Nhiều ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử... không chỉ duy trì vị thế trên thị trường quốc tế mà còn hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, tập trung ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 24,1%, trong khi tỷ trọng ngành khai khoáng giảm mạnh.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp.

Đánh giá cao những thành tựu rất quan trọng của ngành công nghiệp đạt được trong năm 2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hầu hết các địa phương trong cả nước đều có chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn, một số địa phương tăng ở mức 2 con số.

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, thậm chí thua lỗ tồn đọng từ những năm trước thì trong năm 2024 đã được ngành Công Thương giải quyết, khắc phục khá nhiều. Theo đó, dự án chậm tiến độ được triển khai nhanh hơn, hiệu quả thấp đã được nâng lên, như dự án đạm ở Ninh Bình và một số dự án ở Thái Nguyên, Ninh Bình đã có chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Công Thương thẳng thắn chỉ ra rằng, ngành công nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức, tồn tại. Trong đó, giá trị gia tăng thấp bởi ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, chưa phát triển được các phân khúc giá trị cao. Doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất và xuất khẩu, trong khi khu vực FDI chiếm 74,6% giá trị xuất khẩu. Công nghiệp Việt Nam chưa khai thác triệt để các lợi thế từ cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do. Thiếu ngành công nghiệp nền tảng, các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, cơ khí chế tạo chưa được đầu tư đúng mức.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ trưởng yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi, mang tính đột phá, đưa các chiến lược của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, và công nghệ cao, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tận dụng các chương trình hợp tác để chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, công nghiệp là lĩnh vực sản xuất vật chất quan trọng nhất, quyết định sự phát triển kinh tế đất nước. Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023. Nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào.

"Đó là một thách thức ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động. Công nghiệp Việt Nam 2024 đã có những bước tiến đáng tự hào, nhưng để duy trì và nâng cao vị thế, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đổi mới", Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm