Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn được gia hạn kinh doanh tại Việt Nam
Maritime Bank tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Pháp – Việt Nam 2016 / Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017
Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tác động nhiều mặt, ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, nhờ sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, phục hồi tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện; trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu COVID-19, vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu. Những thành tựu này có được là nhờ sự chung tay hợp lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông David John Whitehead - Nhóm công tác nông nghiệp (CTNN) cho biết, lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu bao gồm Mỹ và châu Âu đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản kể từ quý IV/2022, xu hướng này có thể kéo dài hết quý I/2023.
Tuy nhiên, dự kiến trong nửa cuối năm 2023, kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng. Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, định hướng các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về an toàn thực, hoàn thiện hiệu quả các hoạt động sau thu hoạch, trong đó có khâu đóng gói. Nhóm CTNN kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2023.
“Dự kiến trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các yêu cầu của thị trường sẽ trở nên khắt khe hơn, buộc toàn ngành phải đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và xác định chính xác các cơ hội để xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, chú trọng đến trách nhiệm đối với môi trường, đồng thời tập trung vào nông nghiệp tuần hoàn như một phần của nền kinh tế tuần hoàn”, ông David John Whitehead khuyến nghị.
Ông Trần Anh Đức - Nhóm đầu tư và thương mại cho rằng, thời gian qua có thể nhận thấy nhiều điểm cải thiện tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online.
Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến ngành công thương. Trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép.
“Chúng tôi kiến nghị cần cải tiến, chấp nhận thủ tục điện tử để giảm bớt chi phí hành chính cho doanh nghiệp. Về các doanh nghiệp liên doanh, có nhiều doanh nghiệp liên doanh đã đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990, đến nay, sau 30 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp cần được gia hạn.
Các doanh nghiệp mong có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp yên tâm được gia hạn dự án, hợp đồng kinh doanh. Thực hiện tốt điều này cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc ưu tiên thu hut vốn đầu tư nước ngoài”, ông Đức kiến nghị.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao những đánh giá và khuyến nghị thiết thực, đi sâu vào vấn đề nội tại của các đại biểu tham dự.
Cụ thể là các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh; thúc đẩy chuyển sang quy mô canh tác lớn kết hợp với tăng cường quản lý chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng; cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và logistics; đa dạng hóa thị trường.
“Hy vọng những đề xuất hôm nay chỉ là khởi đầu cho hợp tác tiếp theo. Chúng tôi mong muốn đón tiếp và hợp tác nhiều hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong quá trình xây dựng chính sách cho ngành cũng như đầu tư vào nông nghiệp, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững”, đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.
Cũng theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2022, Bộ đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Đây là tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thách thức, đưa Việt Nam trở thành một nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.
Đồng thời, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.
End of content
Không có tin nào tiếp theo