Thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số trong giáo dục phải ưu tiên hàng đầu
DNVN - Trong đại dịch COVID-19, 67% trẻ em vùng sâu, vùng xa không được học trực tuyến. 37,9% trẻ em gặp các vấn đề kỹ thuật khi học trực tuyến. Do đó, thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số trong giáo dục là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Thủ tục cấp giấy phép môi trường cần tránh phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp / Ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam
Thông tin này đã được ông Vincenzo Vinci - Trưởng Chương trình Chính sách Xã hội & Quản trị công UNICEF Việt Nam đưa ra tại Tọa đàm "Một năm theo dõi tác động của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và Châu Á" do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 26/10.
Dẫn kết quả khảo sát của UNICEF năm 2020 về tác động kinh tế- xã hội của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, ông Vincenzo Vinci cho biết, 38% trẻ em dân tộc thiểu số bị thấp còi. 19% trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân hoặc béo phì. Chỉ có 2,3% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng. 7,7 triệu trẻ em không được tiếp cận đến nước sạch và vệ sinh môi trường tại trường học. 67% trẻ em vùng sâu, vùng xa không được học trực tuyến. 70% trẻ em bị xử phạt giam giữ. 68,4% trẻ em độ tuổi 1 - 14 bị kỷ luật bạo lực. 8 - 29% trẻ em và thanh thiếu niên bị các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nghèo đa chiều ở trẻ em vẫn ở mức cao 14,5%.
Theo UNICEF, 67% trẻ em vùng sâu, vùng xa không được học trực tuyến. (Ảnh: QĐND)
Theo đại diện UNICEF, trẻ em dễ bị tổn thương do sống trong hoàn cảnh nghèo đa chiều. Người chăm sóc, đặc biệt là đối với phụ nữ có nhiều khả năng bị mất việc làm, phải gánh thêm trách nhiệm. Các dịch vụ xã hội quan trọng như y tế bị gián đoạn (và khoảng cách kỹ thuật số trong giáo dục gia tăng) 44%. Khả năng ứng phó với những hoàn cảnh thay đổi kém. Trẻ em còn ít được để ý tới hoặc ít được lắng nghe.
Trong khi đó, vấn đề học tập, sức khỏe, tinh thần và bạo lực gia đình là điều đáng quan tâm. Ông Vincenzo Vinci bày tỏ quan ngại về tính công bằng trong việc tiếp cận học tập từ xa. Trẻ em trong độ tuổi đi học phải đối mặt với những tác động dễ thấy nhất, do quá trình học tập bị gián đoạn và phải chuyển sang học trực tuyến.
Kết quả khát của UNICEF cho thấy, 51,4% trẻ em học ít hơn hoặc không học. 37,9% trẻ em gặp các vấn đề kỹ thuật khi học trực tuyến. Mức độ căng thẳng, lo âu và trầm cảm ở trẻ em Việt Nam gia tăng do các vấn đề tâm lý xã hội xuất phát từ việc đóng cửa trường học kéo dài và hạn chế tự do đi lại.
Về dinh dưỡng và thực phẩm cho trẻ em, 70% số người được hỏi cho biết họ phải giảm lượng sữa tươi hoặc sữa bột vốn là nguồn dinh dưỡng quan trọng của trẻ. Hơn 1/3 số hộ gia đình (35%) cho biết phải giảm tiêu thụ cá, thịt hoặc thực phẩm đắt tiền. Trong khi đó, chỉ có 20% số người được phỏng vấn, hầu hết sống ở nông thôn, sống dựa vào các nguồn thực phẩm tự cung tự cấp, chẳng hạn như tự trồng rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chính phủ đã cung cấp các gói an sinh xã hội để ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch, thu nhập của người dân giảm mạnh đã khiến 30% người tham gia khảo sát cho biết phải rút tiền tiết kiệm. 51% người trả lời phải vay tiền của người thân và/hoặc ngân hàng để trang trải chi phí sinh hoạt.
Theo tính toán của chuyên gia Vincenzo Vinci, trợ cấp dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc dưới 3 tuổi thuộc nhóm nghèo nhất chưa đến 0,5% GDP năm 2020 và trợ cấp dành cho toàn bộ trẻ em nhóm 6 tuổi hoặc dưới 3 tuổi sẽ lần lượt lên đến 2% và 1% GDP trong năm 2021.
Với kết quả khảo sát trên, ông Vincenzo Vinci nhận định, đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, tính dễ bị tổn thương và thiếu thốn của trẻ em và thanh thiếu niên, gây ra những tác động tiềm tàng đến sự phát triển nguồn nhân lực trong dài hạn. Do đó, việc thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật số trong giáo dục vẫn là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Ngoài ra, cần tập trung vào bảo vệ trẻ em và sức khỏe tinh thần. Hiện đại hóa hệ thống bảo trợ xã hội hiện nay và hướng tới phổ cập trợ cấp cho trẻ em và bảo đảm mối liên hệ và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh, bảo vệ và chăm sóc...
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo