Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra bán hàng livestream
DNVN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó có yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng livestream.
Gỡ 'nút thắt' liên kết vùng khu vực Trung du, miền núi phía Bắc / Kiến nghị xây dựng ngay chính sách quản lý với thuốc lá thế hệ mới
Công điện nêu rõ, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế…
Do vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động bán hàng livestream để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 4/6 vừa qua, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh thất thu thuế.
Đơn cử, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề cập thông tin xôn xao trên mạng xã hội về livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Từ đó, đại biểu chấn vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của khách hàng? Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường nhận định và xử lý vấn đề nguy cơ hàng giả như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch.
Đồng thời, phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; bảo đảm hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày1/6, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với thương mại điện tử nói chung.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Ngoài livestream bán hàng, Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành siết quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Trong đó, Bộ trưởng Công Thương được giao nhiệm vụ rà soát các các quy định về quản lý thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính với sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước ngày 15/6.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường giám sát, quản lý các giao dịch trên môi trường trực tuyến, chống các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin, quản lý người dùng mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử trong hoạt động ngân hàng; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử...
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo