Chính sách

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Thu hút 143 dự án FDI mới

DNVN - Qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng đang dẫn đầu cả nước, ước đạt 6,5%.

Mưa lũ tại miền núi phía Bắc: 5 người chết, 2 người bị thương / Vietcombank tham dự diễn đàn đầu tư và phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc: Tầm nhìn 2020 - 2030

Ngay sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết) được ban hành, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022.

Chương trình hành động đã đề ra 21 chỉ tiêu, 17 đề án, nhiệm vụ và 33 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần nghiên cứu, thực hiện đến năm 2030.

Phát biểu tại “Hội nghị Hội đồng điều phối vùng TDMNPB lần thứ ba”, sáng ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đến nay, qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết, vùng TDMNPB đã hoàn thành 5/17 nhiệm vụ, đề án.

Bao gồm: phê duyệt quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch địa phương, hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng vùng.

Cùng với đó là trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của vùng; trình Thủ tướng Chính phủ đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

“Hội nghị Hội đồng điều phối vùng TDMNPB lần thứ ba” nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển vùng trong thời gian tới.

12 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành là các đề án lớn về chính sách đặc thù phát triển vùng, chính sách về thương mại biên giới, cụm liên kết ngành, quản lý môi trường và chia sẻ nguồn nước. Các nhiệm vụ này đang được các bộ, địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, toàn vùng đã hoàn thành dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ. Vùng đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)…

15 dự án còn lại trong chương trình hành động đang được các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GRDP của vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn so với 5 vùng còn lại và bình quân cả nước. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có chỉ số này cao nhất cả nước với mức tăng là 13,5%. Một số địa phương có mức tăng khá như Tuyên Quang (7,46%), Phú Thọ (7,45%).

Quy mô GRDP của vùng đạt 896 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu GDRP của vùng chuyển biến khá tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 78%. Thu ngân sách Nhà nước toàn vùng năm 2023 đạt 88 nghìn tỷ đồng, vượt 17% so với dự toán, 10/14 địa phương có số thu vượt so với dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 67 tỷ USD, tăng 39% so với thực hiện năm 2022.

Năm 2023, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã thu hút 143 dự án FDI mới. Tổng số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD. Hiện có 23 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 65%, cao hơn bình quân cả nước (54%);

“Quý I năm 2024, kinh tế của vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá. GRDP đạt khoảng 6,5% (dẫn đầu cả nước). Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 33 tỷ USD. Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước của vùng chỉ đạt 26% dự toán, do nguồn thu dựa nhiều vào thủy điện. Những tháng đầu năm các nhà máy tập trung tích nước, công suất phát điện thấp”, ông Dũng cho biết.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh 8 chữ “Bản sắc – Sinh thái - Liên kết – Hạnh phúc” để thể hiện nội dung của quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phát triển vùng trên cơ sở bảo đảm sinh thái bền vững. Đồng thời, đề xuất hình thành các hành lang phát triển sinh thái liên tỉnh, liên vùng thông qua kết nối những khu vực sinh thái trọng điểm và rừng phòng hộ bằng những hành lang xanh.

Coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Cùng với đó là phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng; hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm ứng dụng công nghệ cao.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm