Chính sách

Gỡ 'nút thắt' liên kết vùng khu vực Trung du, miền núi phía Bắc

DNVN - Một trong những “nút thắt” lớn cần tháo gỡ trong phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc là liên kết nội vùng và liên vùng kém, đặc biệt theo theo phương ngang (Đông - Tây).

Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đang ở cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm / Mưa lũ tại miền núi phía Bắc: 5 người chết, 2 người bị thương

Dự kiến sáng ngày mai (24/5), Chính phủ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời, công bố quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng với nhiều tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính chiến lược.

Trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Trong thời gian qua, vùng TDMNPB đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đang đạt được mức khá cao so với cả nước, vượt mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ nghèo đa chiều của vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước.

Chênh lệch phát triển nội vùngTDMNPBcòn lớn.

Bên cạnh đó, chênh lệch phát triển nội vùng còn lớn khi tăng trưởng kinh tế mạnh chỉ ở một số địa phương mang tính chất đầu tàu. Trong khi đó, một số địa phương có quy mô nền kinh tế rất nhỏ và trình độ phát triển còn thấp, nhiều địa bàn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của cả nước.

“Một trong những “nút thắt” lớn trong phát triển vùng là liên kết nội vùng và liên vùng kém, đặc biệt theo theo phương ngang (Đông - Tây).

Khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh còn nhiều bất cập. Khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế - xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng, kể cả với một số tỉnh trong cùng tiểu vùng”, ông Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những liên kết liên vùng mang tính chiến lược còn thiếu hoặc trong tình trạng chậm đầu tư. Hơn nữa, so với cả nước, vùng TDMNPB là vùng có năng suất lao động ở mức thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo dưới mức trung bình của cả nước và ngày càng tụt hậu.

Nhận thức được quy hoạch phải đi trước một bước và cần có tư duy đột phá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng triển khai xây dựng Quy hoạch vùng TDMNPB thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bản quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển. Tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.

Bản quy hoạch đã tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Nội dung quy hoạch được phản ánh qua 8 chữ “Bản sắc – Sinh thái - Liên kết – Hạnh phúc”.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của quy hoạch là tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng, ưu tiên các kết nối kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và quốc tế.

Cùng với đó là các kết nối Đông - Tây; kết nối quốc tế qua Lào; kết nối về phía biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng, với việc ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị.

Đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Liên kết để phát triển theo 5 hành lang kinh tế (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội; Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội) và khu vực động lực tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô.

Bản quy hoạch mới cũng liên kết các địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tích cực xử lý các vấn đề mang tính chất vùng như môi trường, sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, an ninh nguồn nước, an ninh rừng.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm