Chính sách

Tìm động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam 2024

DNVN - Đầu tư tư nhân còn thấp, lĩnh vực công nghiệp mất vai trò động lực, nhập khẩu giảm mạnh, các thị trường xuất khẩu lớn suy giảm… trong thời gian qua là những vấn đề cần được trao đổi thẳng thắn để có giải pháp mang lại tăng trưởng bền vững cho kinh tế Việt Nam.

Triệt để tiết kiệm chi, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp / Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp

Những xu hướng mới

Tại diễn đàn thường niên lần thứ 16 Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Bộ Ngoại giao đồng tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, cục diện thế giới đang tiếp tục định hình theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc. Bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên 3 xu hướng đáng chú ý.

Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.

Báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm xuống mức 2,4%, tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch.


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

WB nhận định toàn cầu vẫn có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ”.

Thứ hai, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.

Trăn trở về cơ chế, chính sách

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương cho rằng, không thể phủ nhận những kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm qua có được từ những nỗ lực, cố gắng chung của cả hệ thống.

Tuy vậy, theo ông Hiển, cơ chế chính sách, đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư trong thời gian tới là vô cùng quan trọng.

Lĩnh vực công nghiệp mất hoàn toàn vị trí vai trò là chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp giai đoạn 2019-2023, kể cả 2 năm khủng hoảng lớn, công nghiệp vẫn có đóng góp giá trị cao, nhưng năm 2023 công nghiệp mất vai trò động lực.

Câu chuyện đặt ra là những cơ chế chính sách gì để thực sự vực dậy lĩnh vực rất quan trọng này, đặc biệt là lĩnh vực chế biến chế tạo của Việt Nam.


Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.

Năm 2023, ngành dịch vụ năm nay có sự đóng góp khá vào tăng trưởng kinh tế, đạt mức tăng 6,82% - đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm của GDP. Tính chung cả năm 2023, du lịch Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Tuy vậy, số lượng này mới chỉ bằng 70% thời điểm trước dịch COVID-19.

“Câu hỏi đặt ra là cần cơ chế chính sách gì để tăng giá trị thực sự của ngành dịch vụ, cũng như thúc đẩy các ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, kể cả một số lĩnh vực chúng ta đang có chính sách phục hồi nhưng còn khó khăn, như bất động sản…?”, ông Hiển trăn trở.

Về xuất khẩu, năm 2023 ghi nhận xuất siêu nhưng nguyên nhân là do nhập khẩu giảm mạnh. Nhập khẩu giảm mạnh chứng tỏ nội lực nền kinh tế, các yếu tố đang đặt ra nhiều vấn đề.Tăng xuất khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, còn các thị trường lớn của Việt Nam như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… đều giảm trong khi Việt Nam đã tham gia về cơ bản các cam kết quốc tế.

“Vậy câu chuyện khai thác FTA, khai thác thị trường mới, chiến lược xuất khẩu thực hiện được đến đâu, cần được mổ xẻ tại diễn đàn.

Cũng cần trao đổi thẳng thắn những tồn tại liên quan đến vấn đề kinh tế số, tiêu dùng, hạ tầng cho khoa học công nghệ, giáo dục… để có giải pháp mang lại tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, ông Hiển nói.

Ở góc nhìn lạc quan, ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC, 3 yếu tố thúc đẩy giúp Việt Nam khai mở tiềm năng tạo ra từ chính nền tảng vững mạnh và tầm nhìn của Việt Nam chính gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, nội lực của các doanh nghiệp trong nước và tiếp cận nguồn vốn.

“Tôi tin rằng Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu những xu hướng toàn cầu đang đổi thay, tận dụng nền tảng cơ sở vững mạnh và tiếp tục thu hút đầu tư trong khi nuôi dưỡng nguồn nhân tài trong nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, chuyên gia nhìn nhận.

Đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế

Thứ trưởng Bộ Ngọai giao Nguyễn Minh Hằng chia sẻ, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong hoạt động ngoại giao kinh tế, Bộ Ngoại giao sẽ triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời…

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, Việt Nam cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện có. Chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Trong khai thác các động lực tăng trưởng mới, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng…

Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm.

Sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm