Chính sách

VCCI: Cần chính sách xuất khẩu thông thoáng cho ngành thiết bị bay không người lái

DNVN - Góp ý cho Dự thảo Luật Phòng không nhân dân (Dự thảo) do Quân chủng Phòng không – Không quân soạn thảo, VCCI kiến nghị không đưa quy định về cấp phép xuất khẩu UAV tại Dự thảo, tạo ra môi trường chính sách xuất khẩu thông thoáng cho ngành UAV trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông / Lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Không đưa quy định về cấp phép xuất khẩu

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra một số ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Phòng không nhân dân (Dự thảo) do Quân chủng Phòng không – Không quân soạn thảo.

Về quy định liên quan đến xuất nhập khẩu UAV, Điều 27 Dự thảo quy định việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ, bao gồm các hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và xuất khẩu.

Theo VCCI, việc nhập khẩu hàng hoá này hiện đang được quản lý theo Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 69/2018/NĐ-CP, bao gồm đầy đủ các nội dung về thẩm quyền cấp phép và danh mục hàng hoá.

Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định lại những nội dung này tại khoản 2, khoản 4 Điều 27 Dự thảo.

Góp ý tương tự với hoạt động tạm nhập tái nhập, VCCI cho biết, việc tạm nhập tái xuất vẫn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của hoạt động nhập khẩu theo Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Với xuất khẩu, việc cấp phép với hoạt động xuất khẩu UAV được suy đoán là do có thể tiềm ẩn một số nguy cơ về tiết lộ bí mật công nghệ.

VCCI đề nghị Quân chủng Phòng không – Không quân nghiên cứu, cân nhắc không đưa quy định về cấp phép xuất khẩu tại Dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Tuy nhiên, giấy phép xuất khẩu cũng có tác động ngược lại đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính, và giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các đối thủ xuất khẩu khác.

Do vậy, VCCI đề nghị Quân chủng Phòng không – Không quân nghiên cứu, cân nhắc không đưa quy định về cấp phép xuất khẩu tại Dự thảo, tạo ra môi trường chính sách xuất khẩu thông thoáng cho ngành UAVs trong thời gian tới.

Việc kiểm soát xuất khẩu, nếu cần thiết, hoàn toàn có căn cứ pháp lý để thực hiện ở cấp nghị định mà không cần nâng lên cấp độ luật.

Cân nhắc bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh

Về sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (UAV), Điều 28.2, 28.5 Dự thảo quy định hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh UAV là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép hoạt động.

Theo phân tích của VCCI, nghề thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện khi ngành, nghề đó có ảnh hưởng đến các trật tự công cộng (bao gồm: quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng), theo Điều 7.1 Luật Đầu tư 2020.

Điều này có nghĩa, việc đặt điều kiện kinh doanh cho một ngành, nghề, trước hết, cần xác định yếu tố lợi ích công cộng ngành nghề đó có thể xâm hại nếu không được quản lý.

Theo tờ trình Dự thảo, hoạt động của UAV có thể ảnh hưởng đến các lợi ích công cộng, bao gồm: nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không; nguy cơ đe doạ đến quốc phòng, an ninh. UAV có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ tiến công như trinh sát, chỉ thị mục tiêu, vừa trinh sát vừa tiến công, UAV tiến công… Các nguy cơ này đều liên quan đến hoạt động sử dụng UAV, cụ thể là hoạt động bay của UAV.

Tuy nhiên, các ngành sản xuất, kinh doanh UAV không trực tiếp liên quan đến hoạt động bay. Do đó, không thực sự tác động trực tiếp lên các lợi ích công được kể trên đây.

Bên cạnh đó, các tài liệu đính kèm Dự thảo cũng không có thông tin, số liệu thực tiễn xem liệu các hoạt động sản xuất, kinh doanh UAV tại Việt Nam đang diễn ra như nào, và có nguy cơ, tác động gì nếu không có quy định quản lý.

Dự thảo cũng không quy định về điều kiện kinh doanh với các ngành nghề này. Vì vậy, không rõ cơ quan Nhà nước muốn quản lý vấn đề gì trong hoạt động của doanh nghiệp, và liệu điều kiện kinh doanh có thực sự giải quyết được mục tiêu chính sách hay không.

Một yếu tố nữa cũng cần cân nhắc là UAV có tác động lớn về kinh tế, xã hội và quân sự. Việc phát triển ngành công nghiệp UAV nội địa sẽ có lợi, vừa phục vụ mục tiêu kinh tế, vừa bảo đảm an ninh và nhu cầu quốc phòng khi cần huy động. Các doanh nghiệp trong nước cũng có thể hỗ trợ thúc đẩy và/hoặc chuyển giao công nghệ quân sự với công nghệ dân sự. Các chính sách quản lý thông thoáng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mục tiêu này.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại điều kiện kinh doanh với hoạt động sản xuất, kinh doanh UAV, có thể cân nhắc bỏ các quy định này.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm