Chính sách

Việt Nam chủ động ứng phó trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

DNVN - Xung đột quân sự Nga - Ukraina đang dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bối cảnh đó buộc Việt Nam phải chủ động để ứng phó.

Biến đổi khí hậu gây bất ổn an ninh lương thực thế giới / Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Rủi ro về an ninh lương thực

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Ukraina và Nga chiếm 1/4 thương mại ngũ cốc toàn cầu và chiếm 1/3 xuất khẩu lúa mì và lúa mạch của thế giới.

Trong đó, Ukraina là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 trên thế giới, với 55% lúa mì xuất khẩu đến Châu Á và 40% xuất khẩu đến Châu Phi.

Cụ thể, Indonesia, Bangladesh và Ai Cập những nước tiêu thụ lúa mì Ukraina lớn nhất. Đặc biệt, tại Bangladesh, lượng lúa mì của Nga và Ukraina chiếm đến 50% trong số lượng lượng lúa mì nhập khẩu của quốc gia này. Pakistan cũng là quốc gia nhập khẩu tới 39% lúa mì của Ukraina.

Xung đột Nga - Ukraina đã khiến giá lúa mì, ngô và gạo trên toàn cầu tăng vọt. Cùng với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hiện tại, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraina làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nguyên liệu đầu vào như lúa mì, ngô… đã tăng lên khoảng 10-20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Xung đột Nga - Ukraina đã khiến giá lúa mì, ngô và gạo trên toàn cầu tăng vọt.

Trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.

Ông Phùng Hà- Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ngay sau khi cuộc chiến Nga - Ukraina bùng nổ, giá phân đạm urê trên thị trường đã tăng 25%. Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón trong nước đã tăng thêm 300-700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm.

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraina nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mì (khoảng 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mì), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi và đặc biệt là phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).

Cùng với giá lương thực tăng cao, giá phân bón tăng không ngừng đang tác động làm tăng rủi ro về an ninh lương thực.

Hiện nay, tiêu chí an ninh lương thực của Việt Nam không chỉ là vấn đề lúa gạo và hoa màu, mà bao hàm cả lương thực và thực phẩm. Trong khi đó, giá lương thực tăng, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá phân bón tăng đều tác động xấu đến chăn nuôi và trồng trọt, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân

Để thực hiện an ninh lương thực, Bộ NNPTNT triển khai hiệu quả Nghị quyết số 34/NQ-CP về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân.

Đặc biệt ưu tiên sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu.

Bộ NNPTNT ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩmlương thực, thực phẩm.

Phát triển rau đậu các loại với diện tích 1,2-1,3 triệu ha và sản lượng 23-24 triệu tấn. Cây ăn quả với diện tích 1,3-1,4 triệu ha và sản lượng 16-17 triệu tấn. Sản lượng thịt xẻ các loại 6-6,5 triệu tấn, sữa tươi 2,6 triệu tấn, trứng gia cầm 23 tỉ quả. Sản lượng thủy sản 9-10 triệu tấn...

Đồng thời, bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân. Nông dân sản xuất lúa ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất. Thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 2 lần năm 2020. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu thông, phân phối để tăng cơ hội tiếp cận lương thực cho người dân.

Người dân được bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, với khẩu phần ăn cân đối, giảm tỉ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả các loại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm