Chính sách

Xây dựng danh mục dự án cụ thể để "hút" vốn từ doanh nghiệp

DNVN - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công tư.

Quảng Ngãi phát huy lợi thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung / Thủ tướng: Đưa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành động lực phát triển

Ngày 19/7 tại Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và 11 năm thực hiện Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội toàn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế. Vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều vấn đề mới phát sinh.

Hội thảo “Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030,tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ những bất cập, điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển của vùng KTTĐ Bắc Bộ.

Đó là diện tích đất tự nhiên nhỏ là hạn chế cho phát triển của vùng. Vùng KTTĐBB hiện có diện tích nhỏ nhất trong các vùng KTTĐ cả nước nhưng lại chiếm trên 18% dân số cả nước. Mật độ dân số bình vùng năm 2020 là 1.387 người/km2, cao nhất cả nước.

Mặc dù kinh tế tăng trưởng khá cao, nhưng tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa sẵn sàng cho tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Vùng KTTĐ Bắc Bộ chưa phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực văn hóa, xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội. Chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành.

Vùng KTTĐ Bắc Bộ chưa phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực.

Cùng với đó, các thể chế, cơ chế chính sách phát triển vùng còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế liên kết vùng, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng, các cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy hiệu quả. Phát triển các ngành chưa có sự liên kết theo từng khâu sản xuất.

Về định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ phù hợp với bối cảnh mới, đường lối phát triển của Đảng, đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế thị trường và những cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo phát triển đột phá và tăng cường liên kết vùng gắn với tăng cường phân cấp. Phát huy vai trò các đô thị trung tâm quốc gia, trung tâm vùng (TP Hà Nội, TP Hải Phòng) để trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng và liên kết vùng.

Bàn về nhóm giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để các tỉnh, thành phố trong vùng có thể phát huy tiềm năng, phát triển bền vững và trở thành động lực phát triển cho cả vùng và cả nước, đòi hỏi các địa phương này cũng phải có nguồn lực phát triển đầy đủ.

Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù để vùng có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số địa phương trong vùng có vai trò đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển trong vùng, ưu tiên cho các dự án lớn mang tính chất kết nối vùng, đồng thời phát huy vai trò các quỹ đầu tư phát triển địa phương của các tỉnh, thành phố trong vùng.

“Xây dựng danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công tư (PPP). Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là theo hình thức PPP nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hình thức đầu tư PPP.

Nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những dự án đặc biệt quan trọng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm