Chọn gì cho con : trường, lớp ... hay cô giáo ?
(gdtd) Chọn trường không bằng chọn lớp, chọn cô
Trước mùa tuyển sinh năm học mới, trên các diễn đàn mạng dành cho cha mẹ như Webtretho, Lamchame... những “topic” thảo luận, tìm hiểu, xin lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm về việc chọn trường, chọn lớp cho con lại vô cùng “sôi động”. Bên cạnh nhiều ông bố bà mẹ vẫn băn khoăn lựa chọn giữa trường đúng tuyến và trái tuyến, giữa trường điểm và trường thường thì năm nay, các bậc phụ huynh quan tâm kỹ hơn tới các chương trình học và đặc biệt là quan tâm tới việc lựa chọn cô.
Chị Đỗ Thanh Hoa (Đống Đa, Hà Nội) nói: Rút kinh nghiệm từ việc xin trái tuyến một trường “điểm” trong quận cho cậu con trai lớn, đến cô con gái thứ hai chị quyết định cho học đúng tuyến là Trường Tiểu học Khương Thượng để tiện cho việc đưa đón, đi lại.
Chị Hoa cũng cho biết kinh nghiệm mà mình mới được bạn truyền lại: “Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường”. Dù là trường công lập hay tư thục, trường quốc tế hay trường thường thì chất lượng chủ yếu năm ở người giảng dạy. Ở cấp Tiểu học, chỉ cần chọn được cô giáo tốt, có tâm huyết, kinh nghiệm giảng dạy thì học sinh sẽ hứng thú học tập. Vì vậy, “ngay từ khi trước Tết tôi đã phải vận dụng các mối quan hệ để “xếp gạch” cho cháu vào lớp có cô tốt nhất khối 1 của trường đúng tuyến”.
Cũng quyết định cho con học trường đúng tuyến, chị Lê Thanh Bình - Chùa Bộc (Hà Nội) suy nghĩ: “Học trường điểm chỉ khổ con. Mỗi lớp 60 – 70 cháu, chật chội, thiếu không gian để thở. Cô giáo dù giỏi đến mấy cũng không thể nào đủ thời gian để quan tâm được ngần ấy học sinh”. Chị Bình cũng cho rằng, thời điểm này “thượng sách” vẫn phải là chọn cô chứ không phải là chọn trường.
Có thể thấy, xu hướng chung hiện nay của đông đảo các bậc phụ huynh là việc chạy trường phải đi liền với chạy lớp bởi dù trường có tốt thì vẫn phải có cô giỏi, cô bình thường. Vào được trường tốt mà lớp không chọn, cô không “chuẩn” thì cũng là vô nghĩa. Hơn nữa những năm đầu cấp rất quan trọng với học sinh thế nên cần phải chọn được cô tốt.
Một phụ huynh có con vào lớp 1 trường K sau một quá trình tìm hiểu đã đúc rút: cô T là khối trưởng dạy tốt, nghiêm khắc nhưng hay phải đi họp hành trao đổi chuyên môn, cô B dạy tốt, độ nghiêm khắc vừa phải, không già nên gần gũi hơn với học sinh, cô C xinh đẹp, dạy cũng tốt, dễ gần nhưng hiền quá học sinh sẽ không sợ...
Việc chọn trường đi liền với chọn cô cũng bởi một nhẽ, trước khi chính thức vào trường sẽ xin vào lớp cô dạy thêm trước đó để làm quen với cách dạy và học. Trong quan niệm của nhiều phụ huynh, nếu học thêm trước đúng cô sẽ theo học chính sau này thì con em họ sẽ không có sự hụt hẫng, cách học đã được làm quen, được cô quan tâm chú ý khi vào lớp...
Đằng sau “thương hiệu”
Nhiều hiệu trưởng các trường, giáo viên chuyên khối 1, khối 6 hay cán bộ quản lý phòng, sở... vào những mùa chuẩn bị xin học luôn trong tình trạng “tò tí te” không liên lạc được, hoặc không nhấc máy. Hỏi ra mới biết lý do, các cô thì sợ phụ huynh gọi điện, xin địa chỉ nhà cửa để nhờ cho học sinh được học trước, hoặc nhờ cô xin vào đúng lớp cô dạy khi học chính thức. Còn với các hiệu trưởng, mỗi năm học mới lại thêm những sức ép vô hình bởi ai cũng nghĩ hiệu trưởng là người quyết định được tất cả từ việc xét nhận vào trường đến phân vào lớp.
Hiệu trưởng một trường “hot” có tiếng tại Hà Nội nói rằng, mỗi mùa chuẩn bị cho năm học mới chị phải thường xuyên thay đổi số điện thoại di động, thậm chí phải nhờ bảo vệ nói dối mình đang đi du lịch, đi công tác... Có hiệu trưởng, để tránh phải từ chối, tiếp chuyện xin học quá nhiều buộc phải “lánh” sang ngồi ở một phòng làm việc khác khi tới trường.
Cô B - giáo viên lớp 1 cũng cho rằng, việc có “thương hiệu”, được các bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm là niềm tự hào, đồng thời tác động tích cực, đòi hỏi cô luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng... để phục vụ tốt hơn nữa công tác giảng dạy của mình. Tuy nhiên, cô cũng không tránh được cảm giác stress vào mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp. Từ người quen, đến phụ huynh không quen biết đều tìm đến “gửi gắm” và đặt nhiều kỳ vọng từ chuyện kèm cặp học hành đến nhờ vả xin vào lớp...
Đứng trước câu hỏi, “Vấn đề của học sinh tiểu học không phải là chọn trường nào mà cần chọn được lớp và cô dạy tốt?”, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: Chọn trường gần nhà cho con là phương án tối ưu nhất. Không nên quá nặng nề việc chọn cô, chọn lớp vì các cô trong một khối đều phải thực hiện đầy đủ các chương trình theo quy định. Phụ huynh nên quan tâm đến con hàng ngày, hỏi xem con học gì, con thích điều gì khi cô giảng, có điều gì con chưa hiểu... như vậy học sinh sẽ mau tiến bộ.
Lời khuyên đưa ra của người làm công tác giáo dục là vậy song thực tế cuộc đua chọn lớp, chọn cô vẫn luôn nóng bỏng chẳng kém gì việc chọn trường. Nhiều phụ huynh đã lo xin lớp, chọn cô trước khi con bước vào lớp 1 trước cả năm trời. Các phụ huynh đều cho rằng, để xin được vào lớp chọn, cô chọn phải “đặt hàng” từ sớm nếu không sẽ hết chỗ. Và qua tìm hiểu nhiều bậc phụ huynh được biết, “giá” để xin vào lớp chọn, cô chọn cũng tùy thuộc vào mối quan hệ, quen biết. Đã có phụ huynh phải bỏ ra trên dưới 10 triệu để con được học lớp chọn, cô chọn.
Có thể thấy, chọn lớp chọn cô không chỉ là nhu cầu của các bậc phụ huynh có con bước vào đầu cấp học mà nó cũng trở thành “khát vọng” của cả những bậc phụ huynh có con đang học ở nhiều lớp học khác. Chính vì vậy, sẽ chẳng quá ngạc nhiên khi nhiều ban phụ huynh lớp được giao nhiệm vụ phải “xin” nhà trường bằng được cô tốt cho năm học sau. Rồi cũng vì “thương hiệu” lớp A, lớp chọn, cô chọn... mà các bậc phụ huynh tiếp tục đầu tư biết bao tiền của, công sức để mong con được học tại lớp này.
Cho con học trường tốt, cô giáo tốt là nguyện vọng chính đáng của mọi phụ huynh. Song một ngày nào đó, ai cũng “lao” vào cuộc đua lớp chọn, cô chọn thì hiệu ứng mang lại trong giáo dục phải chăng sẽ là những những tiêu cực cùng những lớp học luôn quá tải về sĩ số? Cuộc đua lớp chọn, cô chọn khi nào chấm dứt vẫn phụ thuộc vào sự nghiêm túc, công bằng từ các nhà trường.
Ngọc Hà
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?