Chủ động đối phó với rủi ro thiên tai
Việt Nam là nước hứng chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Để có nguồn lực tài chính chủ động nhằm ứng phó với những rủi ro này, nhiều ý tưởng được đưa ra tại Hội thảo “Đối phó với rủi ro ở quy mô quốc gia” do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia (Vina Re) và Công ty Tái bảo hiểm Thụy Sỹ (Swiss Re) đồng tổ chức chiều 20-3.
Ứng phó với rủi ro mang tầm quốc gia
Các chuyên gia đến từ Tập đoàn Swiss Re đã đưa ra các lựa chọn giải pháp tài chính cho rủi ro thiên tai ở Việt Nam; các giải pháp của chính phủ và các quốc gia có thể đối phó với những rủi ro quy mô lớn; nguồn tài chính rủi ro thiên tai ở cấp vi mô…
Trên thực tế, doanh thu bảo hiểm/GDP ở Việt Nam còn thấp nên vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển cho các công ty bảo hiểm. Được biết, trong thời gian tới Swiss Re sẽ tham gia vào 2 lĩnh vực bảo hiểm đó là bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm thiên tai.
Hiện dự phòng tài chính (ngân sách quốc gia) của các quốc gia trên thế giới mới chỉ bù đắp tài chính được trung bình khoảng 30% các thiệt hại kinh tế do thảm hoạ thiên tai gây ra. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề mang tính an ninh như an ninh lương thực, vấn đề tuổi già, vấn đề xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng cũng gặp phải nhiều rủi ro rất lớn ảnh hưởng nặng nề đến việc ổn định chính sách tài khoá của các quốc gia.
Chính vì vậy, các quốc gia cũng đã và đang nghiên cứu, triển khai việc tài trợ cho các chương trình bảo hiểm đối phó với các rủi ro mang tầm quốc gia như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm cơ sở hạ tầng quốc gia, bảo hiểm thúc đẩy thương mại hàng hoá… Tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia, các nước có thể đặt thứ tự ưu tiên cho việc tài trợ các chương trình bảo hiểm này cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việt Nam là nước chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra như lụt, bão. Hàng năm, thiên tai gây tổn thất đáng kể mà Chính phủ và người dân phải hứng chịu. Theo tính toán của Swiss Re, năm 2008 lụt lội ảnh hưởng tới 5 triệu người và gây tổn thấy 479 triệu USD; năm 2009 bão gây ảnh hưởng tới 9 triệu người và tổn thất 785 triệu USD.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ sau khi thảm họa xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách này có tác động bất lợi đối với ngân sách nhà nước như: Buộc phải tăng thuế hoặc đóng góp của người dân, buộc phải vay nợ, phá vỡ kế hoạch phân bổ ngân sách từ đầu năm và phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài. Trong khi đó nếu thực thi chính sách bảo hiểm trước khi thảm hoạ xảy ra vừa có tính chủ động, vừa bảo đảm ổn định tài khoá và mang tính công bằng hơn (tham gia bảo hiểm thì được bồi thường, đóng phí bảo hiểm đầy đủ được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ).
Hơn nữa, bảo hiểm có nhiều công cụ quản trị rủi ro nên việc phòng chống và giảm nhẹ hậu quả tài chính của thảm họa cũng sẽ hiệu quả hơn đối với công tác hỗ trợ sau khi có thảm họa xảy ra.
Bảo hiểm hỗ trợ tài chính cho thảm họa thiên tai
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, việc hỗ trợ tài chính để bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai có thể được thực hiện và đã được thực hiện thành công tại nhiều quốc gia dưới hình thức triển khai các chương trình bảo hiểm vi mô và thành lập quỹ bảo hiểm thảm họa thiên tai.
Theo thống kê, thảm họa của các rủi ro thiên tai trên thế giới trong năm 2011 đã làm 34.729 người chết, thiệt hại kinh tế lên tới 371 tỷ đô la Mỹ nhưng ngành bảo hiểm chỉ bồi thường được 116 tỷ đô la Mỹ. Qua thực tiễn vụ sóng thần tại Ấn Độ Dương ngày 26-4-2004 ảnh hưởng tới 14 quốc gia, 225 người chết, thiệt hại kinh tế lến tới 15 tỷ đô la Mỹ, nhưng chỉ được bồi thường bảo hiểm 2 tỷ đô la Mỹ. Số tiền bồi thường bảo hiểm chủ yếu được chi trả cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập cao.
Ngân hàng Thế giới hiện đang khuyến khích các quốc gia nghiên cứu, phát triển bảo hiểm vi mô. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia đang phát triển cần có cách nhìn và bước đi thích hợp bảo vệ cho người có thu nhập thấp thông qua chương trình bảo hiểm vi mô. Trong đó tập trung vào khách hàng mục tiêu là người có thu nhập thấp; sản phẩm đơn giản, dễ hiểu; bảo vệ cho người dân cho các rủi ro tài chính trong các trường hợp thiên tai chủ yếu; cung cấp sản phẩm qua các tổ chức tài chính vi mô, hoặc các tổ chức xã hội của người dân; quyền lợi bảo hiểm thiết thực với mức phí bảo hiểm nhỏ; giải quyết bồi thường trực tiếp, có thể bằng tiền mặt.
Theo kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của rủi ro động đất, Chính phủ đã thành lập Quỹ bảo hiểm thảm họa thiên tai Thổ Nhỹ Kỳ, tham dự quỹ này gồm có 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Thổ Nhỹ Kỳ, Quỹ này đã được Ngân hàng Thế giới tài trợ kỹ thuật và tài chính để triển khai bảo hiểm bắt buộc rủi ro động đất. Ban Điều hành Quỹ có sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Uỷ Ban giám sát thị trường vốn và Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm. Chính phủ tài trợ một phần phí bảo hiểm và gánh chịu các thiệt hại mang tính thảm họa.
Cả bảo hiểm vi mô và quỹ bảo hiểm thảm họa thiên tai đều được cộng đồng quốc tế ủng hộ và được chính chủ các nước quan tâm nhiều hơn, nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách về bảo hiểm tại các quốc gia mới nổi và các quốc gia đang phát triển.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo