Chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học: Đau đầu nạn học lệch
Giữa tháng 5 mới là thời điểm kết thúc học kỳ II lớp 12. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, do học sinh được phép tự chọn môn thi tốt nghiệp nên việc duy trì sự nghiêm túc trong các tiết học theo thời khóa biểu là điều khó thực hiện.
Giáo viên chủ nhiệm khổ vì phải “canh” học sinh
Cô N. là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 một trường THPT công lập ở ngoại thành Hà Nội cho biết, gần tháng nay cô cũng như nhiều đồng nghiệp làm chủ nhiệm khối 12 khác khốn khổ vì quá mất thời gian trong việc “bám lớp”.
Lớp cô chủ nhiệm là lớp ban A, tất cả học sinh đều thi ĐH khối A, một số em đăng ký thi cả đợt 2 nhưng lại thi khối D, do đó hầu hết các em đều xác định chỉ học hành nghiêm túc hai môn Lý, Hóa ngoài Văn và Toán. Các giờ Sinh, Sử, Địa… giáo viên bộ môn đều phải chật vật xoay xở do học sinh không chịu học. Trong những giờ này, nhiều em ngang nhiên ngồi làm bài tập những môn mình thi ĐH.
“Số giáo viên có bản lĩnh để thu hút các em cuốn theo giờ học là rất ít. Với lại, dẫu cô có tìm cách dạy thật hay, thật cuốn hút thì cũng chỉ được 1/2 lớp hào hứng. Còn lại các em cứ làm việc riêng trong khi cô giảng bài. Một số cô tính thỏa hiệp bằng cách “thả” nhưng rồi thấy không ổn vì quản lớp còn mệt hơn dạy. Cả tuần vừa rồi gần như buổi nào tôi cũng phải có mặt ở trường suốt 5 tiết để còn “canh” lớp giúp giáo viên bộ môn”, cô N. cho biết.
Theo nhiều giáo viên, đó cũng là tình trạng chung ở các trường lân cận. “Trường chị N. là trường A, đầu vào cao so với các trường khác trong huyện, mà còn thế huống hồ những trường đầu vào thấp như trường tôi. Nhiều đồng nghiệp than thở, nếu cứ thế này cực kỳ nguy hại, vì cả nền giáo dục cứ luẩn quẩn trong vòng tròn dối trá. Học sinh không chịu học nhưng cô không thể phạt học sinh, vẫn cứ phải cho các em ít ra điểm 5, điểm 6”, cô A., giáo viên một trường THPT công lập khác nói.
Tình hình ở một số trường khu vực nội thành cũng không khá hơn. Hầu hết các trường công lập vẫn cố gắng gượng để duy trì thời khóa biểu kèm theo nhiều giải pháp tăng cường quản lý, giám sát việc đảm bảo lên lớp đúng phân phối chương trình của giáo viên.
Nhưng với các trường ngoài công lập, nhiều trường “linh động” cho một số môn học kết thúc sớm. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình cho biết: “Sang tháng 4 trường tôi phải thay thời khóa biểu. Cũng may các trường ngoài công lập được vào học sớm hơn so với thông lệ một tháng nên việc này cũng không trái với chỉ đạo của Sở GD&ĐT”.
Kiểm tra học kỳ II từ giữa tháng 3
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm giáo dục phổ thông và triển khai thực hiện việc dạy học đảm bảo đúng chương trình. Cả 5 đoàn kiểm tra 28 trường THPT, trong đó có một nửa trường công, một nửa trường tư.
Kết thúc đợt kiểm tra, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận xét nhìn chung các trường thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy học và quy chế chuyên môn, không cắt xén chương trình, việc dạy học theo đúng phân phối chương trình môn học, thời khóa biểu bố trí đủ các môn. Đối chiếu giữa các sổ báo giảng, ghi đầu bài, phân phối chương trình và phỏng vấn học sinh thấy cơ bản khớp nhau.
Tuy nhiên, một số trường, đặc biệt là trường ngoài công lập vẫn không thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông. Chẳng hạn như trường THPT Lương Thế Vinh – Cầu Giấy vẫn có hiện tượng cắt xén chương trình ở một số môn như Giáo dục Quốc phòng – an ninh, Công nghệ, Thể dục, Tin học. Các trường THPT Vạn Xuân – Long, THPT Đông Đô, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy… dạy dồn chương trình kết thúc sớm một số môn nói trên để luyện thi và tăng cường cho các môn khác mà tổng số tiết/môn/năm học không đảm bảo đủ theo quy định.
Còn trường THPT Marie Curie – Hoàn Kiếm thì chỉ thực hiện 1 tiết/tuần với môn Thể dục, có trang thiết bị và đồ dùng dạy học nhưng chưa sử dụng.
“Cá biệt, giữa tháng 3 mà trường THPT Lương Thế Vinh – Cầu Giấy đã kiểm tra học kì II môn Lịch sử. Trường này cũng cắt bỏ nội dung thực hành trong chương trình của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; không thực hiện giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Trường này còn xếp thời khóa biểu tùy tiện, ghép đôi, ghép ba các môn không đúng qui định. Giữa sổ ghi đầu bài, lịch báo giảng, thời khóa biểu không khớp”, cán bộ một đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT cho biết.
Theo thăm dò của một số trường THPT ở Hà Nội, môn được học sinh ít chọn để thi tốt nghiệp nhất lại là môn Sinh chứ không phải môn Sử. Chẳng hạn ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Ba Đình: tỉ lệ thí sinh chọn thi môn Sinh chỉ xấp xỉ 4,5%; môn Sử 11,72%; Địa 12,41%; Hóa 42,76%; Ngoại ngữ 60,34% và Lý cao nhất là 64,83%. Trường THPT Hai Bà Trưng – Đoàn Kết: Sinh 3%; Sử 5%; Địa 35%; Hóa 36%; Ngoại ngữ 50% và Lý 67%.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo