Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm: Phục hồi nhưng không mạnh mẽ

DNVN - Chuyên gia Phạm Tiến Đạt - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) từ nay đến cuối năm được dự báo có xu hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn 2020-2021.

Nhận định TTCK ngày 5/8: Đối mặt rủi ro / TTCK ngày 5/8: VN-Index bất ngờ tăng lên 607 điểm

Theo chuyên gia Phạm Tiến Đạt - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, TTCK đang có chuyển biến tích cực khi chỉ số, vốn hóa thị trường và thanh khoản tăng, trong khi khối ngoại tiếp tục mua ròng.

Nếu như năm 2022, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới khi chỉ số VN-index giảm 32,78%, trong khi tỷ lệ vốn hoá thị trường/GDP cũng giảm gần 50%, thì bước vào năm 2023, TTCK đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ khi trở thành thị trường tăng trưởng tốt nhất khu vực ASEAN.

Tính chung bình 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch bình quân ở mức 13,8 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn cuối quý I đã xuất hiện các phiên giao dịch hàng tỷ USD điều mà giai đoạn đầu năm nay chưa từng xảy ra.

Trong khi khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh từ mức 0,68 tỷ cổ phiếu trong tháng 1 lên mức 1,18 tỷ cổ phiếu trong tháng 6.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong 6 tháng đầu năm với giá trị luỹ kế mua ròng là gần 1.500 tỷ đồng. Trong quý 2, khối này đã liên tiếp bán ròng cả 3 tháng khiến giá trị mua ròng giảm mạnh.

Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư trong nước đến thị trường. Nhà đầu tư mới gia nhập tăng trở lại vào cuối quý 2.

TTCK giai đoạn cuối năm được dự báo phục hồi nhưng không mạnh mẽ.

Dự báo từ nay đến cuối năm TTCK Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ phục hồi. Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect nhận định chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ trong các tháng còn lại của năm và sẽ còn tác động tích cực lên TTCK bởi TTCK là thị trường của kỳ vọng.

Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ còn chịu nhiều áp lực phía trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quý 2 và quý 3 còn nhiều thách thức. Các vấn đề trên thị trường bất động sản và trái phiếu sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.

Đồng thời, việc kinh tế Việt Nam năm 2023 được các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022, mức lạm phát được dự báo cao hơn sẽ gây áp lực không nhỏ cho quá trình phục hồi của TTCK.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong giai đoạn cuối năm là vấn đề lãi suất. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất với tổng mức giảm 0,5-2,0 %/năm. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi của các doanh nghiệp khi mà vấn đề thiếu vốn luôn được coi một trong các khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp.

“Riêng đối với TTCK, lãi suất giảm luôn là biến số tạo ra hiệu ứng tích cực, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất còn gặp khó khăn, dòng tiền sẽ có xu hướng chảy vào các lĩnh vực khác để tìm kiếm lợi nhuận”, ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt, từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam tiếp tục phản ánh những yếu tố tiêu cực làm sụt giảm thị trường trong năm 2022 nhưng mức độ tác động của các yếu tố này không còn mạnh như trước.

Tín hiệu phục hồi đã xuất hiện, đặc biệt vào các tháng cuối quý II. Với những tiền đề đó cùng với việc lãi suất tiếp tục giảm, kinh tế vĩ mô phục hồi, TTCK được dự báo là sẽ tiếp tục phục hồi trong giai đoạn cuối năm.

“Từ nay đến cuối năm, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục đan xen cơ hội và thách thức, TTCK Việt Nam được dự báo cũng sẽ diễn biến khó lường. Tuy nhiên, xu hướng tích cực hơn có xác suất cao hơn. Sự phục hồi sẽ không mạnh mẽ như giai đoạn 2020-2021”, ông Đạt nhận định.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm