An ninh mạng

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tinh vi khi mua hàng online

DNVN - Thương mại điện tử phát triển, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng hệ lụy là sự gia tăng hoạt động lừa đảo, mạo danh các thương hiệu lớn để bán hàng giả, hàng nhái, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Covid-19: Cảnh giác với thủ đoạn đánh cắp tiền bằng cách lừa đảo mua hàng online, rồi thanh toán qua Western Union / Siêu sàn thương mại: Facebook cho phép 2,6 tỷ người dùng của mình mua hàng trực tuyến

sự gia tăng hoạt động lừa đảo, mạo danh các thương hiệu lớn để bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Thương mại điện tử phát triển kéo theo sự gia tăng hoạt động lừa đảo, mạo danh các thương hiệu lớn để bán hàng giả, hàng nhái, chiếm đoạt tiền của khách hàng. (Ảnh minh họa: Internet)

Bị lừa mua gói bảo hành giả

Hiện nay, có tình trạng những kẻ lừa đảo gọi điện cho khách tự xưng là nhân viên nhãn hàng, chào bán gói bảo hành cho sản phẩm dựa trên thông tin mua hàng từ Điện Máy Xanh. Khi nhận thẻ bảo hành, mới tá hỏa biết đó là thẻ giả.

Theo truyền thông phản ánh, chiêu trò của bọn chúng là gọi điện cho khách hàng từng mua điện thoại, máy tính… ở Điện Máy Xanh, xưng là nhân viên HP Việt Nam và cho biết HP Việt Nam có chương trình gia hạn 2 năm cho laptop vừa hết thời gian bảo hành. Chỉ cần trả 250.000 đồng, khách hàng được tặng kèm một chuột không dây. Nhưng thực tế khi nhận được là thẻ bảo hành làm từ giấy sơ sài, không có tên khách hàng, chỉ có mã số thẻ, hạn sử dụng và các lưu ý ở mặt sau. Chuột không dây tặng kèm là loại rẻ tiền chưa đến 30.000 đồng. Khi liên hệ với HP, các khách hàng mới biết công ty không có chương trình gia hạn bảo hành.

Đáng chú ý là các cuộc gọi được thực hiện tinh vi hơn khi kẻ lừa đảo cung cấp chính xác ngày mua, loại máy, hạn bảo hành, tên khách hàng, số điện thoại và địa chỉ nhằm tạo lòng tin. Hàng chục người đã mắc bẫy lừa đảo tương tự.

 

Trong khi đó, trả lời truyền thông, đại diện Thế Giới Di Động, tập đoàn sở hữu Điện Máy Xanh cho biết đã đảm bảo việc bảo mật thông tin khách hàng và không chia sẻ cho bên thứ ba. Thế Giới Di Động không trả lời câu hỏi vì sao những dữ liệu trên bị lộ.

Chạy quảng cáo để bán điện thoại nhái, tráo đổi hàng bằng… lá cây

Nhiều người phản ánh việc thường xuyên thấy quảng cáo tới từ các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, các thương hiệu như Samsung, Xiaomi… có nội dung rao bán smartphone với giá siêu rẻ. “Hấp dẫn, Note10+ chỉ 4,5 triệu đồng, chỉ dành cho 289 số điện thoại đặt hàng trong hôm nay. Máy nguyên Fullbox-phụ kiện, bảo hành 12 tháng, 1 đổi 1 trong vòng 30 ngày tại các cửa hàng TGDĐ, Điện máy xanh”, bài viết trên fanpage có tên La***a_voucheruudai quảng cáo.

Với mức giá “bèo” dưới 5 triệu đồng, chiếc Note10+ được trên rao bán như trên không thể là sản phẩm chính hãng từ Samsung. Các hệ thống bán lẻ lớn niêm yết Galaxy Note10+ với giá khoảng 18 triệu đồng, hàng qua sử dụng có giá xấp xỉ 13 triệu đồng.

Trả lời truyền thông, đại diện Lazada khẳng định các trang trên là giả mạo.

 

Một chiêu thức khá phổ biến nữa là rao bán những món hàng cao cấp, được săn lùng với giá rẻ rồi gửi hàng kém chất lượng, thậm chí thay bằng… lá cây. Hồi đầu tháng 2/2020, nhiều người phản ánh trang Facebook "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam" lừa đảo khi bán 30 chiếc khẩu trang 3M 9001v với giá 360.000 đồng, được cho là rất rẻ so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Fanpage yêu cầu người mua chuyển khoản trước nhưng khi nhận hàng thì thấy toàn lá khô bên trong!?

Điểm chung của các shop bán hàng lừa đảo là khi bị người dùng lên tiếng cảnh báo, quản trị các fanpage lập tức xóa, chặn bình luận từ những người bị lừa.

Không mua nhưng hàng vẫn được giao đến tận nhà cũng là một chiêu lừa kéo dài từ năm 2019 đến tận bây giờ, thường xảy ra với những gia đình có đông người. Một số người chia sẻ, dù không đặt mua bất cứ sản phẩm gì nhưng họ vẫn nhận được đơn hàng giá trị hàng trăm ngàn đồng. Tương tự tình trạng giả danh nhân viên nhãn hàng để mời gọi mua gói bảo hành “dởm”, những thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi được ghi rất chính xác.

Theo một người có kinh nghiệm trong giới bán hàng online, các gian thương thường dùng chiêu trò “ship lụi” mua thông tin khách hàng từ nhiều nguồn, khoanh vùng những khu vực có mức sống cao để gửi hàng “hú họa” cầu may.

Lập shop lừa đảo trên Facebook

 

Ngoài ra, còn có một chiêu lừa xuất hiện trên Facebook khiến không ít người mất tiền oan mà hai shop online có tên gọi "Momo" và "Sunny Store" là một trong những điển hình tiêu biểu.

Cụ thể như sau: các shop sẽ tạo ra nhiều trang bán hàng trên Facebook hoặc mua lại những trang có sẵn vài nghìn like. Sau đó, đăng tải hàng loạt hình ảnh quần áo, phụ kiện bắt mắt, nhiều mặt hàng từ các shop nước ngoài nhưng lại trông như tự chụp - mục đích ngụy trang như một shop bán đồ bình thường ở Việt Nam. Đồng thời, tích cực tạo nhiều bài viết khuyến mãi, chạy quảng cáo để thu hút khách vào xem đồ. Khi khách hàng nhắn tin mua, shop sẽ lấy lý do đồ sale nên cần chuyển khoản 100% tiền sản phẩm. Khách chuyển khoản xong, shop không gửi đồ mà tìm cách trì hoãn, nếu khách phát hiện bị lừa thì shop chặn Facebook ngay lập tức.

Sau khi bị tố giác, cả hai shop trên đều khóa trang Facebook bán hàng của mình. Trên thực tế, hình thức lừa đảo này tuy đơn giản nhưng khó xử lý triệt để. Bởi những đối tượng lừa đảo sẽ liên tục mở các trang bán hàng mới sau khi trang cũ bị phát giác.

Tránh sập bẫy khi mua hàng online

Để mất tiền oan mua hàng online, người mua cần chú ý xem xét thời gian đăng tải bài viết của trang bán hàng. Nếu trang đăng bài liên tục nhưng chỉ được cập nhật trong một thời gian ngắn gần đây (chỉ 1 tháng, vài tuần cho đến vài ngày) thì độ uy tín sẽ rất thấp. Nên nhớ các trang lừa đảo thường không cho hiển thị phần bình luận của bài đăng, các bài đăng có nhiều lượt trạng thái "phẫn nộ". Nếu có ý định mua, hãy liên hệ trực tiếp những tài khoản thả phẫn nộ để hỏi thông tin về shop.

 

Khi hỏi thông tin về sản phẩm, hãy yêu cầu gửi video thật của sản phẩm. Thông thường, nếu khách hàng xin số điện thoại hoặc xin địa chỉ tới shop thử đồ thì các đối tượng lừa đảo thường lảng tránh, không trả lời, thậm chí chặn luôn.

Bên cạnh đó, những khách hàng thông mình nên tạo thói quen mua hàng trên những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng. Cần tìm hiểu kỹ điều khoản bảo hành, giao nhận, thanh toán; tìm thông tin sản phẩm bằng các công cụ so sánh giá, nhận xét sản phẩm.

Người mua phải cảnh giác với những trang web/tài khoản Facebook quảng cáo sản phẩm/dịch vụ giá rẻ, yêu cầu người dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình. Thận trọng với thông báo trúng thưởng phiếu mua hàng mà phải bù thêm tiền; thông báo trúng thưởng nhưng phải đóng thuế/phí để nhận giải.

Tuệ Nhi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm